Các nhà khoa học đến từ Đại học Kyushu (Nhật Bản) đã phát triển một loại công cụ an ninh cho phép nhận dạng cá nhân thông qua cảm biến khứu giác với độ chính xác lên tới hơn 97% trong loạt thử nghiệm đầu tiên.

Nhat Ban phat trien he thong nhan dang ca nhan bang... hoi tho 1
(Ảnh: Đại học Kyushu)

Nhà nghiên cứu Chaiyanut Jirayupat tại Viện Hóa học vật liệu và Kỹ thuật thuộc Đại học Kyushu và cộng sự đã mô tả cảm biến mới trong bài báo được đăng tải mới đây trên tạp chí Chemical Communications.

“Công nghệ này dựa vào đặc điểm riêng biệt của mỗi cá nhân. Đặc điểm hình dáng có thể bắt chước, thậm chí thay đổi bằng thương tích. Thời gian gần đây, mùi của con người trở thành lĩnh vực mới trong nhận dạng sinh trắc học. Về cơ bản, đó là sử dụng thành phần hóa học của riêng bạn để xác nhận bạn là ai”, theo nhà nghiên cứu Jirayupat.

Ban đầu, nhóm của Jirayupat tập trung vào khí thải qua da, tức là hợp chất sản sinh bởi da người. Dẫu vậy, phương pháp này có hạn chế bởi da không tạo ra mật độ hợp chất bay hơi đủ cao để máy móc có thể phát hiện.

Sau đó, các nhà khoa học đánh giá khả năng kiểm tra hơi thở của con người. Theo nhà nghiên cứu Jirayupat, trước đây hơi thở của con người từng được sử dụng để xác định người mắc bệnh ung thư, tiểu đường và COVID-19. Nhóm nghiên cứu của Đại học Kyushu đã xác định tổng cộng 28 hợp chất trong hơi thở có thể dùng để nhận dạng sinh trắc học. Họ phát triển một loạt cảm biến khứu giác với 16 nguồn. Mỗi cảm biến có thể nhận dạng một nhóm hợp chất riêng biệt. Dữ liệu cảm biến về hơi thở của từng người được phân tích bằng máy, giúp tạo ra lý lịch riêng của mỗi cá nhân.

Trưởng nhóm nghiên cứu Takeshi Yanagida cho biết rằng họ đã đạt độ chính xác trung bình 97,8% trong loạt thử nghiệm đầu tiên với 6 người. Độ chính xác này vẫn được duy trì khi cỡ mẫu tăng lên 20 cá nhân với nhiều khác biệt về độ tuổi, giới tính và quốc tịch.

Phan Anh

Cái chết của người đàn ông được ghép tim lợn vẫn là một bí ẩn