Chính phủ Ý mới đây đã tuyên bố sẽ điều tra chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT do OpenAI Research phát triển, đồng thời tạm thời ra lệnh cấm ChatGPT do cáo buộc vi phạm các quy định về quyền riêng tư. Ý trở thành chính phủ đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm ChatGPT. Không chỉ nước Ý, nhiều nước khác cũng đã bắt đầu chú ý đến các quy định bảo vệ dữ liệu liên quan đến AI.

shutterstock 2245062167
(Nguồn: Busyfingie/ Shutterstock)

Theo Reuters, Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Ý (Garante per la protezione dei dati personali, Garante) đã đưa ra một tuyên bố cho biết, Ý sẽ tạm thời cấm sử dụng chatbot ChatGPT trên lãnh thổ nước này do cáo buộc vi phạm quyền riêng tư cá nhân.

Garante đã chỉ trích ‘gã khổng lồ’ công nghệ OpenAI do Microsoft hậu thuẫn vì đã không đặt giới hạn độ tuổi cho người dùng ChatGPT, những người dùng phải từ 13 tuổi trở lên. Vì khi sử dụng ChatGPT, trẻ chưa đủ tuổi có thể nhận được câu trả lời không phù hợp với lứa tuổi của mình.

Garante cho biết trong một tuyên bố rằng OpenAI sẽ thu thập và lưu trữ một lượng lớn dữ liệu cá nhân trong quá trình robot trò chuyện ChatGPT hoạt động và không có cơ sở pháp lý nào chứng minh hành vi này là hợp pháp. OpenAI có 20 ngày để cải thiện hoặc đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ lên tới 20 triệu euro (21,68 triệu USD), tương đương 4% doanh thu toàn cầu hàng năm của công ty.

Người dùng ở Ý không thể truy cập trang web ChatGPT chính thức, trên trang web chính thức này cũng xuất hiện một thông báo cho biết, chủ sở hữu trang web có thể đã đặt các hạn chế để ngăn người dùng truy cập vào trang.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2020, ChatGPT đã tạo ra một xu hướng công nghệ và các đối thủ lần lượt tung ra các sản phẩm tương tự. Tuy nhiên, cư dân ở Trung Quốc Đại Lục, Hồng Kông, Iran và Nga không thể đăng ký tài khoản OpenAI, ở các khu vực của Châu Phi cũng không thể sử dụng ChatGPT.

Ngoài ra, công nghệ chatbot của OpenAI đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các thành viên quốc hội tại nhiều quốc gia. Nhiều chuyên gia cho rằng loại công nghệ AI này có tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia, việc làm và giáo dục. Do đó cần xây dựng các quy định mới có liên quan để quản lý kiểm soát công nghệ AI.

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu cho biết: “Chúng tôi hy vọng tất cả các công ty trong Liên minh Châu Âu (EU) tôn trọng các quy định bảo vệ dữ liệu của EU. Việc thực thi ‘Quy định bảo vệ dữ liệu chung’ (GDPR) là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ dữ liệu của EU.”

Bà Margrethe Vestager, Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu, đã tweet rằng Ủy ban đang thảo luận về dự luật AI của EU, có thể không có xu hướng cấm AI. “Dù chúng ta sử dụng công nghệ nào, chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do của mình. Đó là lý do tại sao chúng ta không lập pháp để hạn chế công nghệ AI, mà điều chỉnh cách sử dụng AI.”

Vào ngày 29/3, tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới và là người đồng sáng lập OpenAI, cùng với một nhóm các chuyên gia AI và quản lý trong ngành đã kêu gọi trong một bức thư ngỏ, yêu cầu tạm dừng việc phát triển hệ thống AI cao cấp (tức OpenAI ChatGPT-4) trong 6 tháng, vì công nghệ này có hại cho xã hội, tiềm ẩn rủi ro.

OpenAI vẫn chưa cung cấp thông tin chi tiết về việc huấn luyện hệ thống AI. Bà Johanna Björklund, một nhà nghiên cứu AI và phó giáo sư tại Đại học Umeå ở Thụy Điển, cho biết: “Sự thiếu minh bạch là một vấn đề thực sự và nếu bạn đang thực hiện nghiên cứu phát triển AI, phương thức nghiên cứu của bạn nên phải rất minh bạch.”

Theo một cuộc khảo sát do UBS công bố vào tháng 2, chỉ hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT ước tính đã đạt 100 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 1 năm nay, khiến nó trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.