Các nhà nghiên cứu công bố hôm 6/1 rằng những nghiên cứu của họ về di tích thành phố cổ xưa cho thấy, bộ lịch bí ẩn chu kỳ 260 ngày và được xem là bộ lịch có liên hệ với vũ trụ rộng lớn của người Trung Mỹ bản địa, có thể có lịch sử đến 3.000 năm, sớm hơn nhiều so với các phát hiện trước đó.

lich maya 2 e1477800697232
Lịch của người Maya (Rose Garden/Shutterstock)

Hiện nay chúng ta hiểu ‘Lịch Maya’ [1] là nói về cách tính lịch của người Maya và một số dân bản địa Trung Mỹ. Ngoài cách tính 365 ngày, thì lịch Maya nổi tiếng bởi vì nó còn có cách tính lịch 260 ngày, và cách tính lịch bí ẩn Long Count (đếm dài). Bộ lịch có lẽ là duy nhất thế giới với chu kỳ 260 ngày và cách tính lịch Long Count với số năm nhiều khủng khiếp từ lâu đã được nhà khoa học tin rằng có những liên hệ bí ẩn với vũ trụ [13].

Mặc dù có nhiều dự đoán khác nhau về thời điểm tồn tại của bộ lịch 260 ngày này, nhưng bằng chứng được tìm thấy trước đây [4] cho biết bộ lịch này có từ khoảng 250 năm trước Công Nguyên, vào thời văn minh Maya. Cái tên ‘lịch Maya’ cũng là dựa trên các bằng chứng như vậy.

Vừa qua, một nhóm nhà khoa học đã công bố rằng những nghiên cứu của họ cho thấy rất nhiều kiến trúc cổ xưa tuổi đời tận 3.000 năm trước có liên hệ với bộ lịch 260 ngày này. Như vậy, bộ lịch nổi tiếng này có lịch sử ít nhất tận 3.000 năm về trước, thuộc thời đại nền văn minh Olmec [5].

Phát hiện mới

Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy lịch 260 ngày được dùng trong các đền thờ cổ, và có ứng với cách tính theo vị trí của các ngôi sao. 260 ngày là ứng với bội số của 20 và 13 [2].

Trong công bố hôm thứ Sáu (6/1) trên tạp chí Science Advances [5], một nhóm các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi Ivan Šprajc, người đứng đầu Viện Nhân chủng học và Trung tâm Nghiên cứu Không gian tại Học viện Khoa học và Nghệ thuật Slovenia, đã sử dụng các quan sát laser trên không, được gọi là LiDAR, để chỉ ra rằng các quần thể kiến ​​trúc cổ ở miền Nam Mexico được xếp thẳng hàng với các chu kỳ thiên thể, chẳng hạn như mọc và lặn của Mặt trời, và tương ứng với lịch 260 ngày.

Phát hiện này cung cấp “bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng lịch 260 ngày, sớm hơn nhiều thế kỷ so với cách sử dụng trước đây được biết đến trong các ghi chép văn bản.”

lindar 001
Nhìn từ trên không bằng (LiDAR) cho thấy các kiến trúc cổ xưa khớp với bộ lịch 260 ngày. (ảnh chụp màn hình science.org)

“[Có thể nhìn] rất rõ từ góc nhìn phức hợp từ trên, trong đó kiến ​​thức thiên văn được đưa vào trong tôn giáo và các lễ tiết một cách đan xen với nhau, và điều này được chứng minh qua thực tế ở các [công trình] xây dựng sau này ở Trung Mỹ… bắt đầu hình thành sớm hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây,” ông Šprajc nói.

Ngoài sự thẳng hàng của Mặt trời, “một số định hướng ban đầu đề cập đến các cực chính của Sao Kim và Mặt trăng,” ông Šprajc nói thêm. “Do đó, kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã đẩy thời gian không chỉ nguồn gốc của lịch [260 ngày] mà còn của các quan sát thiên văn chính xác, dẫn đến kiến ​​thức thiên văn phức tạp của người Maya và những người Trung Mỹ khác, được chứng thực trong các bản khắc và bản thảo hoành tráng sau này từ Cổ điển và thời kỳ Hậu cổ điển (khoảng 250 – 1520 CN).”

Ông Šprajc đã dành phần lớn sự nghiệp của mình trong lĩnh vực này, vạch ra hướng của các địa điểm Mesoamerican cổ đại và tái tạo lại ý nghĩa văn hóa và thiên văn của chúng. Gần đây, ông nhận ra rằng LiDAR có thể hỗ trợ công việc này vì nó có thể nhìn một lượng lớn các địa điểm khảo cổ từ trên không, bao gồm hàng chục ngàn khu định cư mà trước đây chưa được biết đến.

Với sự giúp đỡ của đồng tác giả nghiên cứu Takeshi Inomata, một nhà khảo cổ học và chuyên gia về Maya tại Đại học Arizona, người đã có nhiều khám phá với LiDAR [10], ông Šprajc đã bắt đầu công việc đo lường tỉ mỉ các hướng thiên văn của 415 khu phức hợp nghi lễ được xây dựng trong quãng 3.000 năm trước, để xem những gì họ tiết lộ về các cộng đồng này.

Trước sự ngạc nhiên của ông, các kết quả cho thấy mối liên hệ rõ ràng với lịch 260 ngày theo phong đặc trưng, được đánh dấu bằng sự tôn kính đối với các số 13 và 20. Các phát hiện chứng minh rằng cấu trúc cốt lõi của cách tính thời gian của người Trung Mỹ đã có từ ít nhất 3.000 năm trước.

“Mục tiêu ban đầu của tôi không phải là điều tra nguồn gốc của lịch 260 ngày,” ông Šprajc nói. “Vì vậy, thật ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng thậm chí nhiều công trình được xây dựng sớm nhất vào năm 1100 trước Công Nguyên đến 800 trước Công Nguyên  (toàn bộ mẫu dữ liệu bao gồm cả nhiều địa điểm sau này) đã ghi lại vị trí của Mặt trời vào các ngày được phân tách bằng bội số của 13 hoặc 20 ngày.”

“Đáng chú ý nhất, nhóm định hướng ban đầu phổ biến nhất đánh dấu mặt trời mọc vào ngày 11 tháng 2 và ngày 29 tháng 10, cách nhau đúng 260 ngày,” ông tiếp tục, lưu ý rằng “đây cũng là nhóm định hướng nhiều nhất trong kiến ​​trúc Vùng đất thấp Maya sau này cũng như phổ biến những nơi khác ở Trung Mỹ.”

Xã hội Olmec có từ khoảng 3500–2400 năm trước. Mối liên hệ giữa người Olmec và nền văn hóa Maya sau này, được biết đến nhiều nhất với các thành phố và vương quốc của thời kỳ Cổ điển phát triển rực rỡ từ khoảng 1750 đến 1100 năm trước, vẫn chưa rõ ràng. Các bản khắc và tài liệu Maya cổ điển cũng đề cập đến lịch 260 ngày.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các nhóm dân bản địa có lễ tiết, tức là kế hoạch cho các cuộc tụ họp lớn theo mùa, bằng cách sử dụng lịch 260 ngày từ rất lâu trước khi họ được người Maya sử dụng. Lịch tương tự cũng có thể đánh dấu những ngày diễn ra các hoạt động hoặc nghi lễ nông nghiệp quan trọng khi việc trồng ngô lan rộng đến Trung Mỹ khoảng 3.000 năm trước. Một số cộng đồng Maya vẫn sử dụng lịch 260 ngày cho đến ngày nay [7].

Lịch 260 ngày

Lịch 260 ngày là lấy bội số của 13 và 20 [1][2]. Tên của 20 ngày là Imix, Ik, Akbal, Kan, Chicchan, Cimi, Manik, Lamat, Muluc, Oc, Chuen, Eb, Ben, Ix, Men, Cib, Caban, Eiznab, Cauac, và Ahau. Tuy nhiên, cách ghép 20 với 13 là giống như cách ghép thiên can địa chi của người Hoa, chứ không phải theo cách ghép tháng và ngày trong tháng như lịch của Kitô giáo mà chúng ta đang dùng hiện nay.

Tức là ghép đan xen với nhau. Ngày đầu tiên là 1-Imix, tiếp đó là 2-Ik, 3-Akbal,… rồi đến 13-Ben, rồi tiếp đó là 1-Ix, 2-Men, 3-Cib. Đến hết ngày cuối cùng của vòng lặp là ngày thứ 260 13-Ahau, thì vừa hết 1 chu kỳ, và sẽ quay lại từ đầu 1-Imix.

thien can dia chi
“Địa chi, Thiên can, Ngũ hành, Âm dương, và Thái Cực” của người Hoa. (Yurumi / Shutterstock)

Tức là giống lối ghép 10 thiên can với 12 địa chi kiểu người Hoa, Giáp-Tý, Ất-Sửu,… rồi cuối cùng là Quý-Hợi, là trọn 1 chu kỳ 60.

Để biểu đạt của 20 cái tên Imix Ik… cũng có cách biểu đạt bằng hình tượng các con vật, có nhiều tương đồng lối biểu đạt bằng hình tượng con vật của người Hoa.

Ngoài lối tính chu kỳ 260 ngày, thì người bản địa cũng có lối tính 365 ngày. Trường hợp đó sẽ lấy 20 ngày làm 1 tháng. Như vậy 1 năm có  18 tháng, cộng với 5 ngày.

Dùng 2 lịch này đồng thời, thì qua 52 năm sẽ là 1 chu kỳ 2 bộ lịch trùng lặp (52×365 = 73×260). Người bản địa Trung Mỹ bình thường dùng bộ lịch 365 ngày, các dịp lễ hội dùng bộ lịch 360 ngày, và trong tế lễ đặc biệt thì dùng bộ 260 ngày [12].

Người bản địa cổ đã biết thời gian trái đất di chuyển quanh mặt trời 1 vòng không phải là chẵn 365 ngày, theo các bằng chứng từ các di tích [13].

Cách tính lịch có thể coi là một loại di tích phản ánh tri thức về thiên văn của một nền văn minh. Dù văn minh đó đã trôi đi qua dòng sông thời gian, nhưng những di tích họ để lại vẫn khiến người ta còn rất nhiều điều không giải thích được.

Cách tính với chu kỳ 260 ngày —kể cả con số 13 và 20 đều không trùng với các cách tính lịch khác trên thế giới vốn theo chu kỳ mặt trăng (30 ngày) và mặt trời (365 ngày)— và cách tính lịch Long Count trong đó có 1 Alautun là đơn vị thời gian tương đương với trên 63 triệu năm [14], thì những lịch này của người bản địa Trung Mỹ đã trở thành di tích khiến người ta liên tưởng rằng tổ tiên của họ đã biết được những bí ẩn liên quan đến vũ trụ to lớn.

Đã từng có giải thích rằng bộ lịch 260 tính theo con số lạ như vậy là do tính theo số ngày mang thai của phụ nữ. Nhưng mà cách giải thích đó rất khó thuyết phục đầy đủ khi người ta phát hiện hàng loạt các công trình kiến trúc cổ đại khớp với lịch này và đồng thời khớp với vị trí của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao [5]. Nếu chúng ta hôm nay dùng lịch 365 ngày với 12 tháng để xác định các mùa trong năm để phục vụ các hoạt động theo mùa vụ, thì tổ tiên của dân bản địa Trung Mỹ đã dùng bộ lịch mà trong đó có 1 đơn vị trên 63 triệu năm để làm gì?

Trước đây, các nhà khoa học cũng từng phát hiện rằng Đại Kim tự tháp ở Ai Cập kỳ thực đã tồn tại từ trước nền văn minh Ai Cập, đền Angkor Wat được xây dựng trước nền văn minh Khmer, v.v..

Nhiều nhà khoa học tin tưởng rằng đã có các văn minh tiền sử tồn tại trước chu kỳ văn minh của chúng ta hiện nay, tức là trước khi có biến động về bản khối đại lục hơn chục triệu năm trước dẫn đến đại kiếp nạn khiến nhân loại hầu như bị diệt hết. Và rất có thể những nền văn minh cổ xưa trong chu kỳ này là đã thừa kế phần nào di sản của chu kỳ văn minh trước đó, vốn được phát triển theo con đường khoa học hoàn toàn khác, cho nên rất khó giải thích bằng phương thức khoa học ngày nay.

Thiên Đức

Tư liệu tham chiếu:

[1] Maya civilization, https://www.historymuseum.ca/cmc/exhibitions/civil/maya/mmc06eng.html

[2] Mayan Calendar, http://www.hanksville.org/yucatan/mayacal.html

[3] Maya Calendar, https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_calendar

[4] An early Maya calendar record from San Bartolo, Guatemala, tạp chí Science Advances, https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.abl9290

[5] Origins of Mesoamerican astronomy and calendar: Evidence from the Olmec and Maya regions, tạp chí Science Advances, https://www.science.org/doi/10.1126/sciadv.abq7675

[6] Scientists Discovered These Ancient Cities Have a Secret Link to the Cosmos, tạp chí Vice, https://www.vice.com/en/article/jgp37x/scientists-discovered-these-ancient-cities-have-a-secret-link-to-the-cosmos

[7] 260-dniowy kalendarz był używany już 3000 lat temu. Dla Olmeków i Majów miał ogromne znaczenie, https://www.focus.pl/artykul/260-dniowy-kalendarz-olmekow-i-majow

[8] Hệ thống lịch Maya tương đồng kỳ lạ với lịch Trung Hoa cổ đại: Mối liên hệ sớm về văn hóa?, https://trithucvn.co/khoa-hoc/thong-lich-cua-nguoi-maya-tuong-dong-ky-la-voi-lich-trung-hoa-co-dai-moi-lien-som-ve-van-hoa.html

[9] Hướng dẫn cách tính can chi ngũ hành chi tiết nhất, https://liengtam.com/cach-tinh-can-chi-ngu-hanh/

[10] Monumental architecture at Aguada Fénix and the rise of Maya civilization, https://www.nature.com/articles/s41586-020-2343-4.epdf

[11] Mesoamericans Have Been Using a 260-Day Ceremonial Calendar for Millennia, https://www.smithsonianmag.com/science-nature/earliest-evidence-of-260-day-calendar-use-found-in-mexico-180981399/

[12] Lịch Maya, https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_Maya

[13] Maya Astronomy, https://en.wikipedia.org/wiki/Maya_astronomy