Tối 14/9 theo giờ địa phương, một dị tượng trên bầu trời Anh xuất hiện, một vệt lửa xanh bí ẩn vắt ngang bầu trời, cảnh tượng này được nhiều người chia sẻ trên mạng.

Dự án mới 3
Tối 14/9, người dân nhiều nơi đã chứng kiến ​​một “quả cầu lửa khổng lồ” không rõ danh tính từ từ bay qua bầu trời đêm ở Vương quốc Anh. (Ảnh: Twitter)

Tổng hợp thông tin từ các kênh truyền thông nước ngoài đưa tin, vào khoảng 10h tối theo giờ địa phương ở Vương quốc Anh hôm 14/9, người dân ở Scotland, Bắc Ireland và miền bắc nước Anh cho biết đã nhìn thấy một quả cầu lửa màu xanh lục sáng xuyên qua bầu trời và chiếu sáng toàn bộ bầu trời đêm. Quả cầu lửa từ từ quét qua bầu trời tối đen, bay suốt từ Scotland đến Ireland, lưu lại trên không ít nhất khoảng 20 giây. Do thời gian xuất hiện sớm và bầu trời quang đãng hơn nên nhiều người có thể nhìn thấy khá rõ ràng bằng mắt thường, người dân ở khu vực có nhiều tòa nhà cũng có thể nhìn thấy được.

Sau sự kiện này, tổ chức khoa học dân sự “Mạng lưới Quan sát Sao băng” (UK Meteor Network) của Vương quốc Anh, đã nhận được gần 800 báo cáo về việc nhìn thấy quả cầu lửa, trong khi Tổ chức Sao băng Quốc tế (International Meteor Organization) cũng nhận được gần 1.000 báo cáo.

Tổ chức Hàng hải Quốc tế đánh giá đường đi của quả cầu lửa rơi xuống Đại Tây Dương, khoảng phía nam quần đảo Hebrides ở ngoài khơi bờ biển phía tây của Scotland. “Mạng lưới Quan sát Sao băng” của Anh chỉ ra rằng quả cầu lửa đã kết thúc quỹ đạo của nó cách Islay, Scotland từ 50 km đến 100 km về phía tây, sau khi đi qua Kênh Bắc (North Channel) – một eo biển giữa đông bắc Bắc Ireland và tây nam Scotland.

Ông Richard Kacerek, người sáng lập “Mạng lưới Quan sát Sao băng” Vương quốc Anh, cho biết theo đánh giá sơ bộ của họ, quả cầu lửa có lẽ là các mảnh vỡ từ không gian, “từ các video được nhiều người quay lại, có vẻ như nó đang di chuyển chậm hơn thiên thạch rơi rất nhiều”.

Tuy nhiên, “Mạng lưới Quan sát Sao băng” lại thông báo vào ngày 16/9 rằng sau khi tính toán các dữ liệu liên quan, quả cầu lửa bốc cháy trong không khí trong khoảng 20 giây “hoàn toàn là một thiên thạch”, “chúng tôi hiện đang tin rằng nó là một phần của một tiểu hành tinh trong vũ trụ.” Sau đó, họ chỉ ra rằng quả cầu lửa đã kết thúc hành trình cách Islay, Scotland từ 50 km đến 100 km về phía tây, sau khi đi qua Kênh Bắc chia cắt Scotland và Bắc Ireland. Tổ chức Hàng hải Quốc tế, dựa trên đường đi của quả cầu lửa, kết luận rằng cuối cùng nó đã rơi xuống Đại Tây Dương ở phía nam của quần đảo Hebrides, ngoài khơi phía tây Scotland.

Theo Aine O’Brien, một nghiên cứu sinh tại Đại học Glasgow và là thành viên của Liên minh Quả cầu lửa Vương quốc Anh (UK Fireball Alliance), quả cầu lửa nhấp nháy trên bầu trời đêm trong 10 đến 20 giây trước khi biến mất. Anh cũng chỉ ra, nhìn chung, các thiên thạch sẽ chỉ xuất hiện trong không trung vài giây, thời gian cháy từ 10 đến 20 giây là một khoảng thời gian dài đối với một thiên thạch. “Chúng tôi vẫn chưa thể biết liệu quả cầu lửa là thiên thạch hay rác vũ trụ, nhưng theo cách nó phân mảnh, nó giống đá không gian hơn.”

Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào ngày 8/9, nước Anh từng xuất hiện hiện tượng thiên văn thú vị: “Cầu vồng kép” trên bầu trời ở cung điện Buckingham.

Dự án mới 4
Cầu vồng ở Cung điện Buckingham. (Ảnh chụp màn hình video)

Hàng ngàn người có mặt bên ngoài cổng Điện Buckingham ở trung tâm London khi cầu vồng xuất hiện sau trận mưa lớn.

Peter Barnes, 31 tuổi, một giám đốc chiến dịch làm việc ở trung tâm London, chia sẻ với PA: “Tại Điện Buckingham, tâm trạng rất ảm đạm. Nhiều người trong đám đông đã bình luận về cầu vồng và nhiều người đã chụp ảnh lại”.

Cầu vồng có thể được nhìn thấy từ các địa danh chính trên khắp thủ đô của Vương quốc Anh, bao gồm tháp Elizabeth ở Westminster và đài tưởng niệm Nữ hoàng Victoria.

Trí Đạt (t/h)