Elon Musk đã mua Twitter với giá 44 tỷ USD, có ý định chuyển sang tư hữu và dự định biến Twitter thành một nơi “siêu thú vị”. Từ các tweet và thông báo mua lại của nhà tỷ phú này, mọi người đã thấy một số nội dung mang tính khái niệm, nhưng việc vận hành trong thực tế có thể sẽ phức tạp hơn những gì ông đề xuất.

Twitter Elon Musk 4
(Ảnh ghép từ Shutterstock và Wikimedia)

AP đưa tin, giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết, ông sẽ biến Twitter thành một nền tảng truyền thông xã hội cho phép tự do ngôn luận, chống lại thư rác và mở các thuật toán.

Quảng trường tự do ngôn luận

Tỷ phú Elon Musk, với hơn 88 triệu người theo dõi trên Twitter, cho rằng tự do ngôn luận là một trong những động lực chính để ông mua lại Twitter.

Musk đã nhiều lần công khai tuyên bố rằng ông không hài lòng với hệ thống kiểm duyệt hiện tại của Twitter, vì vậy ông đã tiến hành mua lại công ty này. Musk cho biết việc mua lại Twitter là một phần trong kế hoạch của ông, nhằm mang lại “quyền tự do ngôn luận cho thế giới.”

Trước khi thúc đẩy việc mua lại Twitter, Elon Musk từng phàn nàn Twitter đã kiểm duyệt các bài đăng mà họ cho là “gây thù hận” hoặc bị phân loại là thông tin sai lệch.

Đài RFI của Pháp cho biết, từ lâu Twitter đã kiểm duyệt không công bằng với những người phe bảo thủ ở Mỹ, tùy ý chặn bài phát biểu của họ, trong đó có tài khoản của cựu Tổng thống Donald Trump với gần 90 triệu người theo dõi trên Twitter.

Một nhà bình luận từng làm việc trên các nền tảng mạng xã hội lập luận rằng các kênh thông tin này đang cố gắng “kiểm soát câu chuyện toàn cầu theo phong cách của nhà văn George Orwell trong cuốn tiểu thuyết khoa học xã hội viễn tưởng ‘1984’.”

Cuốn sách được xuất bản từ năm 1949, kể về năm 1984, phần lớn thế giới sẽ trở thành nạn nhân của chiến tranh vĩnh viễn, sự giám sát của chính phủ có mặt khắp nơi, chủ nghĩa phủ định lịch sử và tuyên truyền tràn ngập toàn cầu.

Năm 2020, New York Post từng bị Twitter chặn vì đưa tin về vụ bê bối của Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden. Khi đó Twitter cũng trực tiếp chặn các kênh truyền thông đưa tin nghiêm trọng về vụ bê bối trên. Động thái này đã làm dấy lên sự lên án mạnh mẽ từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.

“Tôi đầu tư vào Twitter vì tôi tin rằng nó có tiềm năng trở thành một nền tảng cho tự do ngôn luận trên khắp thế giới. Tôi tin rằng tự do ngôn luận là yếu tố thiết yếu của một xã hội dân chủ bình thường”, Elon Musk nói.

“Tôi muốn ngay cả những người chỉ trích tôi thậm tệ nhất vẫn ở lại Twitter, vì đây chính là hàm nghĩa của tự do ngôn luận.”

Năm 2018, Elon Musk tự mô tả mình là một “người độc lập đã đăng ký” và là một “người ôn hòa về chính trị”, nhưng ông nói điều đó không có nghĩa là ông ôn hòa trong mọi vấn đề.

“Để Twitter được công chúng tin tưởng, nó phải trung lập về mặt chính trị, nghĩa là sẽ khiến cả phe cực hữu và cực tả đều cảm thấy không thoải mái”, Elon Musk từng tweet.

“Tự do ngôn luận là nền tảng trong cách vận hành của nền dân chủ và Twitter là một quảng trường kỹ thuật số, nơi mọi người thảo luận các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại”, CEo Tesla nói sau khi mua lại Twitter.

Ông cũng tweet: “Tự do ngôn luận chính là tự do ngôn luận.”

Thuật toán mã nguồn mở

Một trong những đề xuất cụ thể nhất mà Elon Musk nêu ra trong thông báo mua lại là “các thuật toán mã nguồn mở để tăng độ tin cậy”, nghĩa là sẽ xếp hạng nội dung, nhằm quyết định nội dung hiển thị trên nguồn cấp dữ liệu của người dùng.

Chí ít, đối với những người ủng hộ Elon Musk, một phần nguyên nhân thúc đẩy sự mất lòng tin, là câu chuyện về “lệnh cấm trong bóng tối” trên mạng xã hội của những người thuộc phe bảo thủ chính trị Mỹ. Đây là một tính năng được cho là ẩn, nhằm giảm phạm vi ảnh hưởng của những người dùng có hành vi sai trái, mà không cần vô hiệu hóa tài khoản của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn tại hội nghị TED hôm 14/4, Elon Musk gợi ý rằng thuật toán của Twitter là nguồn mở, nghĩa là những người bên ngoài công ty cũng có thể xem và đề xuất sửa đổi. Theo ông, một cách là đưa mã lên GitHub, trang web lưu trữ các dự án phần mềm.

“Đánh bại chương trình thư rác”

Những “chương trình thư rác” bắt chước người thật luôn là thứ mà Elon Musk cực kỳ chán ghét. Vì quá nổi tiếng trên Twitter, nên ông ấy có rất nhiều tài khoản giả mạo sử dụng hình ảnh và tên của mình, chủ yếu là để quảng cáo cho những thứ giống như vụ lừa đảo tiền điện tử của Elon Musk.

Ngoài ra còn có rất nhiều tài khoản Twitter chứa đầy thư rác từ các tài khoản bán rong sản phẩm, đến quảng bá nội dung chính trị phân cực, nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử ở những quốc gia khác.

Ngày 21/4, Elon Musk cho biết, nếu đấu thầu Twitter thành công, ông ấy sẽ loại bỏ chương trình thư rác và chỉ người thật mới có thể sử dụng nền tảng xã hội này.

“Nếu đấu thầu Twitter thành công, chúng tôi sẽ đánh bại hoặc kiên quyết chống lại các chương trình thư rác.” Ông nói thêm “và xác nhận tất cả (tài khoản) là người thật.”

Trước đây, Elon Musk từng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của mình về các chương trình máy tính tự động giao dịch tiền điện tử đăng các bài đăng lừa đảo đánh lừa các nhà đầu tư trên Twitter.

Ngày 14/4, trong một bài phát biểu tại hội nghị TED, Elon Musk nói: “Nếu mỗi vụ lừa đảo tiền điện tử mà tôi thấy tạo ra một đồng Dogecoin, chúng tôi sẽ có 100 tỷ Dogecoin.” Dogecoin là loại tiền điện tử phân quyền, sử dụng khuôn mặt chú chó Shiba Inu làm tên và biểu tượng chính thức.

“Ưu tiên số một của tôi là loại bỏ thư rác và các chương trình lừa đảo, cũng như đội quân bot (robot, hay phần mềm tự động hóa trong máy tính) trên Twitter”, Elon Musk nói thêm.

“Xác thực tất cả mọi người”

Elon Musk đã nhiều lần nói rằng ông muốn Twitter “xác thực tất cả mọi người”. Lời đề nghị mơ hồ này có thể liên quan đến mong muốn loại bỏ các tài khoản rác trên trang web của ông.

Việc tăng cường kiểm tra danh tính trên các tài khoản thông thường có thể ngăn chặn mọi nỗ lực tích lũy một lượng lớn tài khoản giả mạo.

Có thể Musk đang xem xét cung cấp cho nhiều người hơn một “huy hiệu xác minh màu xanh”, là dấu xác minh trên tài khoản Twitter, cho thấy tài khoản đó là người thật, chẳng hạn như tài khoản của ông. Elon Musk gợi ý rằng người dùng có thể mua huy hiệu chứng nhận này như một phần của dịch vụ Twitter Blue của Twitter.

Nhưng một số nhà hoạt động nhân quyền lo ngại biện pháp này có thể dẫn đến một hệ thống “tên thật”, tương tự như việc Facebook buộc mọi người xác minh tên đầy đủ của họ và sử dụng chúng trong hồ sơ tài khoản của mình. Đặc biệt, nếu người Trung Quốc vượt tường lửa kiểm duyệt Internet phải sử dụng tên thật trên Twitter, cũng khiến họ gặp nguy hiểm hoặc sợ sử dụng ứng dụng này. Điều này mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận hoàn toàn mà Musk đề xướng.

Twitter không có quảng cáo?

Elon Musk đưa ra ý tưởng về một Twitter không có quảng cáo, nhưng nó không phải là một trong những ưu tiên trong thông báo đề nghị mua lại chính thức. Ngay cả đối với người giàu nhất thế giới là ông, việc cắt đứt nguồn kiếm tiền chính của Twitter sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Quảng cáo chiếm hơn 92% doanh thu của Twitter trong quý tài chính từ tháng Một đến tháng Ba. Năm ngoái, Twitter đã tung ra một dịch vụ đăng ký trả phí có tên Twitter Blue, thu hút mọi người trả tiền cho các đăng ký, nhưng dịch vụ này dường như không đạt được nhiều tiến bộ.

Elon Musk nói rõ rằng ông ủng hộ một mô hình đăng ký mạnh mẽ hơn cho Twitter, cung cấp cho nhiều người hơn các tweet dài hơn, không có quảng cáo, và chức năng chỉnh sửa các tweet. Điều này phù hợp với nỗ lực giảm bớt các hạn chế đối với nội dung Twitter của ông. Nhưng các nhà quảng cáo chủ yếu thích những hạn chế này, vì họ không muốn quảng cáo của mình xuất hiện gần các tweet có nội dung không phù hợp.

Cuối tuần thứ 2 của tháng Tư, Elon Musk đã gửi một loạt các tweet, đề xuất Twitter đặt huy hiệu xác minh cho những người đã trả tiền cho Twitter Blue.

Tweet của Elon Musk

Elon Musk thường xuyên tweet về nhiều cách nghĩ và đề xuất khác nhau. Ông thường thực hiện các cuộc thăm dò, hỏi những người theo dõi của mình, họ nghĩ gì về những quyết định mà ông ấy muốn thực hiện.

Ví dụ, trong một tweet, Elon Musk đã đề xuất biến trụ sở chính của Twitter nằm ở trung tâm thành phố San Francisco thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư, “vì dù sao cũng không có ai xuất hiện (đi làm).”

Gần đây, Elon Musk đã tweet: “Tin nhắn Twitter nên có mã hóa đầu cuối như Signal (một nền tảng nhắn tin được mã hóa), để không ai có thể theo dõi hoặc hack (xâm phạm) tin nhắn của bạn” “làm cho Twitter trở nên cực kỳ thú vị!”

“Phe cực tả thù ghét tất cả mọi người, kể cả chính bản thân họ!”

Giám đốc điều hành và quản lý mới của Twitter?

Theo kênh truyền thông bảo thủ RSBN của Mỹ, Elon Musk đang thực hiện các bước làm trong sạch ban quản lý của Twitter.

Reuters đưa tin, Elon Musk có thể đang lên kế hoạch bổ nhiệm một giám đốc điều hành (CEO) mới của Twitter sau khi nắm quyền kiểm soát công ty. Điều đó có nghĩa là Parag Agrawal, CEO hiện tại, có thể sẽ sớm bị mất việc.

TechCrunch – một kênh truyền thông trực tuyến của Mỹ tập trung vào công nghệ cao và các công ty khởi nghiệp – đưa tin, nếu Elon Musk thực sự bước vào ban quản lý mới khi thỏa thuận hoàn tất, Agrawal sẽ nhận được 38,7 triệu USD theo một điều khoản trong hợp đồng của ông với Twitter.

Musk nhiều lần bày tỏ ông không thích sự kiểm duyệt của Twitter, đây là lý do chính khiến ông mua lại công ty này. Điều đó cho thấy rằng khi lên nắm quyền kiểm soát công ty, rất có thể ông sẽ giới thiệu ban quản lý mới, những người có thể thúc đẩy sứ mệnh và tầm nhìn của ông ấy.