Khoảng một tháng sau khi Microsoft rút LinkedIn ra khỏi Trung Quốc, Yahoo thông báo rằng họ cũng rút khỏi quốc gia này với lý do môi trường kinh doanh và luật pháp của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên thách thức. 

yahoo rut lui
Công cụ tìm kiếm “Yahoo” đã ngừng các sản phẩm và dịch vụ của mình ở Trung Quốc (Nguồn: ảnh chụp màn hình thông báo của Yahoo)

Việc rút lui của Yahoo diễn ra đồng thời với “Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân” của ĐCSTQ

Người phát ngôn của Yahoo cho biết: “Trước tình hình môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức ở Trung Quốc, bộ dịch vụ của Yahoo sẽ không còn được truy cập từ Trung Quốc kể từ ngày 1/11”.

Yahoo nói rằng công ty “vẫn cam kết bảo vệ các quyền của người dùng của chúng tôi và một mạng Internet miễn phí và cởi mở.”

Công ty cho biết thêm, chính sách này không ảnh hưởng đến các sản phẩm và dịch vụ của Yahoo ở các khu vực khác trên thế giới.

Việc rút lui của Yahoo diễn ra đồng thời với việc thực thi “Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân” của ĐCSTQ, luật này sẽ hạn chế việc thu thập dữ liệu của các công ty công nghệ. Các công ty không tuân thủ có thể đối mặt với tiền phạt lên tới 50 triệu Nhân dân tệ (tương đương 7,6 triệu USD), hoặc 5% thu nhập hàng năm của họ.

Luật này có hiệu lực vào ngày 1/11, nhưng Yahoo không trực tiếp đề cập đến luật này.

Sự khác biệt là quy định của châu Âu tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trước các công ty tư nhân và chính phủ; còn quy định mới của ĐCSTQ tập trung vào việc chính phủ và người tiêu dùng cùng chống lại hành vi doanh nghiệp trộm cắp dữ liệu và vi phạm quyền riêng tư, tuy nhiên lại cho phép Chính phủ ĐCSTQ giữ quyền để truy cập rộng rãi vào dữ liệu vì lý do an ninh quốc gia. Ví dụ, các cơ quan nhà nước Trung Quốc có thể được miễn trừ tuân thủ quy định mới vì lý do bảo mật hoặc khi việc thực thi luật pháp của nhà nước gặp trở ngại.

Tuy nhiên, Bắc Kinh từ lâu đã bị cáo buộc về việc sử dụng công nghệ để đẩy mạnh cuộc đàn áp tại tỉnh Tân Cương và với nhiều đối tượng khác nhau.

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Ba, người dùng Internet Trung Quốc trên các trang web do Yahoo điều hành (chẳng hạn như AOL.com) cùng các phương tiện truyền thông TechCrunch và Engadget đã được thông báo rằng Trung Quốc Đại Lục sẽ không thể tiếp tục truy cập các dịch vụ của Yahoo. Người dùng Trung Quốc của các ứng dụng như Yahoo Thời tiết cũng đã được thông báo từ tháng 10 rằng các ứng dụng này sẽ ngừng hoạt động vào thứ Hai ngày 1/11.

Ngoài ra, Applecensorship.com, một trang web được điều hành bởi tổ chức hoạt động chống kiểm duyệt ẩn danh GreatFire, cho thấy rằng ngay từ ngày 14/10, Yahoo! Finance và Yahoo Mail vẫn chưa có mặt trên Apple’s China App Store. Nền tảng của công ty không được các công dân Trung Quốc phổ thông sử dụng rộng rãi.

Microsoft đã rút LinkedIn khỏi Trung Quốc vào tháng trước.

Trước đó, vào ngày 14/10, LinkedIn cũng đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa trang web LinkedIn của mình ở Trung Quốc. Công ty cho biết trong 7 năm hoạt động, “môi trường hoạt động đầy thách thức và các yêu cầu tuân thủ cao hơn” của chính quyền Bắc Kinh cũng là lý do chính khiến Microsoft quyết định rút ứng dụng mạng chuyên nghiệp phổ biến LinkedIn của mình ra khỏi quốc gia này vào tháng trước.

Theo thống kê trên trang web của LinkedIn, Trung Quốc có hơn 54 triệu người dùng LinkedIn, trở thành thị trường lớn thứ ba sau Mỹ và Ấn Độ.

Internet của Trung Quốc bị kiểm duyệt gắt gao và hoạt động dưới cái được gọi là “tường lửa” (Great Firewall). Trước khi ra đi, LinkedIn là một trong số rất ít dịch vụ truyền thông xã hội được phép hoạt động ở Trung Quốc. Các trang mạng xã hội khác như Twitter, Facebook, Instagram, YouTube, SnapChat và Google đều bị chặn tại quốc gia này.

Các công ty nước ngoài gặp quá nhiều thách thức khi hoạt động tại Trung Quốc

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng việc Yahoo rời Trung Quốc phần lớn mang tính biểu tượng, vì công ty bắt đầu đóng cửa các dịch vụ chính của mình ở Trung Quốc vào năm 2013, chẳng hạn như email, tin tức và các dịch vụ cộng đồng. Tuy nhiên, việc Yahoo rút lui là một lời nhắc nhở rằng các công ty nước ngoài đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng trong hoạt động tại Trung Quốc, bao gồm các quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu chặt chẽ hơn, căng thẳng địa chính trị và các quy định nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19.

Đây là một số lý do hàng đầu khiến các công ty Mỹ quyết định chuyển hoạt động và cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhiều công ty trong số họ đang chuyển đến Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và các nước khác.

Cố vấn quản lý Cameron Johnson của FAO Global, một công ty tư vấn và kinh doanh quốc tế có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng các quy định mới về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu (của ĐCSTQ) đã làm gia tăng tính không chắc chắn và chi phí tuân thủ khi hoạt động ở Trung Quốc, một số công ty muốn thoát khỏi hơn là đối phó với rủi ro kinh doanh đang gia tăng này.

Cuối tuần trước, Apple đã gửi một email tới người dùng App Store của họ ở Trung Quốc, thông báo cho họ về sự chuẩn bị của công ty đối với luật bảo mật và giải thích chính sách bảo mật mới được áp dụng vào ngày 27/10. Các yêu cầu trong quy định quyền riêng tư mới của ĐCSTQ bao gồm nhu cầu bản địa hóa dữ liệu. Các công ty như Apple và Tesla đang cố gắng tuân thủ các yêu cầu này bằng cách thiết lập các trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để lưu trữ dữ liệu liên quan đến Trung Quốc.

Luật của ĐCSTQ cũng quy định rằng các công ty hoạt động tại Trung Quốc phải giao nộp dữ liệu nếu cơ quan chức năng yêu cầu.

Yahoo từng bị các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ chỉ trích nặng nề vì đã chuyển giao dữ liệu của hai nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc cho chính quyền Bắc Kinh vào năm 2007, khiến họ phải ngồi tù.

Ngược lại, công ty thời trang Hennes & Mauritz bày tỏ lo ngại về các cáo buộc cưỡng bức lao động ở Tân Cương và trở thành mục tiêu của một cuộc tẩy chay vào tháng Ba, doanh số bán hàng sụt giảm. Cuối tuần trước, sau khi một du khách bị phát hiện nhiễm COVID-19, Disneyland Thượng Hải đã tạm thời đóng cửa trong tuần này.

Do chính sách biên giới khép kín của ĐCSTQ, nhiều công ty đa quốc gia nước ngoài cũng gặp trở ngại trong việc tuyển dụng nhân viên mới hoặc tiếp nhận các giám đốc điều hành đến thăm công ty ở Trung Quốc.

ĐCSTQ đã phát động một loạt các cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ lớn

Kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã tiến hành một loạt các cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ lớn, luật về quyền riêng tư mới này là đợt đàn áp mới nhất. Alibaba đã bị ĐCSTQ phạt 2,75 tỷ USD vào tháng Tư vì vi phạm Luật Chống độc quyền.

ĐCSTQ cũng đã thắt chặt các quy định đối với ngành công nghiệp game. Công ty Tencent Holdings cũng đã thông báo sẽ đóng cửa trò chơi điện tử Fortnite do Epic Games phát triển tại Trung Quốc vào ngày 31/11. ĐCSTQ đã ban hành các quy định mới vào tháng Tám, trong đó giới hạn nghiêm ngặt thời gian chơi của những người chơi thanh thiếu niên, đồng thời đình chỉ việc phê duyệt các trò chơi mới.

Tờ Wall Street Journal báo cáo rằng Yahoo cũng điều hành các nền tảng phát hành tin tức thích hợp như Yahoo Finance và Yahoo Sports và sở hữu các phương tiện truyền thông như TechCrunch. Công ty có khoảng 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Theo báo cáo của trang web IT Home, Yahoo đã từng là trang tìm kiếm số một thế giới, với hoạt động tại 24 quốc gia và khu vực, cung cấp các dịch vụ mạng đa dạng cho hơn 500 triệu người dùng độc lập trên toàn thế giới.

Yahoo Trung Quốc khai trương vào tháng 9/1999. Tháng 8/2005, Alibaba mua lại toàn bộ sở hữu. Năm 2013, Yahoo Mail, Thông tin và Cộng đồng Trung Quốc thông báo ngừng dịch vụ và nhóm bắt đầu tập trung vào việc phổ biến các chủ trương phúc lợi công cộng của Tập đoàn Alibaba. Năm 2015 , Yahoo thông báo về việc đóng cửa Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Toàn cầu của mình tại Bắc Kinh, sa thải 200 đến 300 nhân viên.

Vào tháng 10/2005, Alibaba và Yahoo Global đạt được hợp tác chiến lược, mua lại toàn bộ Yahoo China và đổi tên thành Alibaba Yahoo.

Vào tháng 11/2004, Yahoo &3721 phát hành dòng sản phẩm đấu thầu tìm kiếm, từ đó, Yahoo Trung Quốc trở thành nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị tìm kiếm toàn diện và lớn nhất ở Trung Quốc.

Mộc Lan

Xem thêm: