Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD.

covid 19 viet nam thiet hai 37 ty usd
Trong 2 năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam bị thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Viacheslav Lopatin/shutterstock)

Tại diễn đàn bàn về phương án phục hồi kinh tế ngày 5/12, ông Nguyễn Thành Phong, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết hai năm qua nếu không có dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam tăng 7%. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ tăng 2,91% vào năm 2020 và dự kiến tăng 2,5% năm nay.

Theo ông Phong, kinh tế Việt Nam thiệt hại khoảng 160.000 tỷ đồng vào năm 2020 và 346.000 tỷ đồng năm 2021.

“Tổng cộng hai năm qua, kinh tế thiệt hại khoảng 507.000 tỷ đồng (tính theo giá năm 2010), còn theo giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD”, ông Phong nói.

Ông Phong cho hay các động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là đầu tư để vừa tăng cầu và cũng vừa tăng sản lượng tiềm năng. “Tức là mở rộng khả năng cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, mở rộng đầu tư, ứng dụng công nghệ số để đổi mới cách thức sản xuất, tiêu dùng”.

Tuy nhiên, ông Phong cho rằng việc khuyến khích tiêu dùng đầu tư nội địa rất cần thiết nhưng nếu tăng đầu tư quá mức thì sẽ làm giảm tiết kiệm và qua đó giảm đầu tư hoặc làm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Vì thế, việc khai thác thị trường trong nước nên chú trọng vào sản xuất hàng hóa tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu.

Cùng với đó, Việt Nam nên hạ thấp lãi suất ngân hàng, cần có gói kích thích kinh tế để kích cầu tiêu dùng nội địa và giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng hỗ trợ nhà ở, xây dựng nhà ở cho công nhân, giảm chi phí khám chữa bệnh, nghĩa vụ thuế cho doanh nghiệp…

Tính toán huy động 180.000 tỷ trong dân để “phục hồi kinh tế”

Hôm 12/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, tham gia giải trình về các công cụ tài khóa để thực hiện cho chương trình hỗ trợ nền kinh tế, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã tính đến việc huy động nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế. “Trong đó có việc phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động tiền trong dân với số tiền khoảng 180.000 tỷ trong 2 năm”, ông nói.

Đối với chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính đề nghị tiếp tục áp dụng giãn, hoãn thuế, phí, giảm thuế đối với giá xăng dầu lĩnh vực hàng không. Ngoài ra, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế các hộ sản xuất kinh doanh; giãn khoản thuế cho hộ, doanh nghiệp chậm nộp khi làm ăn thua lỗ.

Bên cạnh đó, ông Phớc cho biết Bộ sẽ tập trung thu trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử để tránh hoàn thuế, trốn thuế.

Năm 2022, tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng

Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 vừa được Quốc hội thông qua, năm 2022:

  • Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng;
  • Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng;
  • Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỷ đồng (tương đương 4% GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 347.900 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP) và bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng;
  • Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 572.686 tỷ đồng.

Năm 2022, Việt Nam chưa thực hiện việc “cải cách chính sách tiền lương”, đồng thời chưa nâng lương cho người thu nhập thấp, mới đi làm trong năm.

Bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tính chung 11 tháng năm 2021, Việt Nam có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.454,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 784,2 nghìn lao động (giảm 15% về số doanh nghiệp, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước; gần 39,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 14,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,7%, trong đó có 13,2 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 3,9%; 184 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 25,5%. Bình quân một tháng có gần 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Cũng tính chung 11 tháng năm 2021:

  • Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách ước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước);
  • Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17,1 tỷ USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước);
  • Vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 677,3 triệu USD (tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước);
  • Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.128,5 nghìn tỷ đồng (giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước).

Về xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2021, với kim ngạch đạt 84,8 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 50,5 tỷ USD, tăng 16,8%. Thị trường EU đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%. Thị trường ASEAN đạt 25,9 tỷ USD, tăng 23,3%. Hàn Quốc đạt 20 tỷ USD, tăng 14,6%. Nhật Bản đạt 18 tỷ USD, tăng 3%.

Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 98,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 50,3 tỷ USD, tăng 20,3%. Thị trường ASEAN đạt 37 tỷ USD, tăng 36,1%. Nhật Bản đạt 20,3 tỷ USD, tăng 10,1%. Thị trường EU đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,2%. Hoa Kỳ đạt 14,2 tỷ USD, tăng 14,6%.

Quý Bình

Xem thêm:

Nợ công hơn 3,7 triệu tỷ đồng, Việt Nam tính trả gần 366 nghìn tỷ, vay mới 571 nghìn tỷ