Theo Bộ Tài chính Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2021, giá trị phát hành trái phiếu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam là hơn 495.000 tỷ đồng. Việc phát hành trái phiếu khá dễ dàng và thiếu sự kiểm soát đã khiến nguy cơ các nhà đầu tư bỏ tiền vào những DN thua lỗ và rủi ro mất vốn.

Screenshot 3
Vào tháng 12/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group bị phạt tiền 600 triệu đông do có hành vi vi phạm hành chính chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. (Ảnh: Apecgroup.net)

Trong vòng 11 tháng năm 2021, có tổng cộng 826 đợt phát hành trái phiếu DN, trong đó phát hành trái phiếu riêng lẻ là 803 đợt, chiếm 94,5% và chỉ có 5,5% phát hành ra công chúng, thông tin từ Bộ Tài chính.

Đáng chú ý, các DN bất động sản (DN BĐS) phát hành trái phiếu có tỷ trọng lớn nhất, gần 200.000 tỷ đồng (chiếm 38%). Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại siết chặt tín dụng, các DN BĐS đã dùng lãi suất trái phiếu để thu hút vốn trung và dài hạn từ các nhà đầu tư trên thị trường, mức lãi suất đưa ra khá cao từ 10,5 – 14%/năm, báo Việt Nam Net đưa tin.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong số các trái phiếu DN phát hành riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, trái phiếu DN có tài sản đảm bảo chiếm 50,9%, trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 49,1%. Trong số 300 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ trong các tháng đầu năm 2021, có 207 DN phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của trái phiếu chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình và dự án.

Theo quy định hiện tại, DN phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần thiết có xếp hạng tín nhiệm. Chính vì vậy, nhà đầu tư thông thường sẽ không thể đánh giá toàn diện về tình hình kinh doanh và khả năng trả nợ của DN. Hơn nữa, nhà đầu tư khó giám sát việc DN sử dụng tiền huy động thông qua trái phiếu có đúng mục đích cam kết hay không.

Với tình trạng hiện nay, các DN phát hành lượng lớn trái phiếu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đó là: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán. Đáng quan ngại là nhiều DN kinh doanh thua lỗ vẫn có thể huy động vốn hàng tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành trái phiếu DN với khối lượng lớn trong khi vốn chủ sở hữu nhỏ, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh lỗ qua các năm. Đặc biệt đối với nhóm BĐS, trong số hơn 100 DN BĐS phát hành trái phiếu DN riêng lẻ trong năm 2021 có 26 DN ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm 2021; tại thời điểm 30/6/2021, hệ số nợ vay trên vốn chủ hữu bình quân của các DN BĐS niêm yết là 2,5 lần, trong khi tỷ lệ này của các DN BĐS chưa niêm yết là 8,1 lần.

Theo công ty FiinGroup, tính riêng trái phiếu DN khối phi tài chính thì phân kỳ trả nợ giai đoạn 2022-2024 chiếm hơn 66%. Trong đó, năm 2022 chiếm 14,5%, năm 2023 chiếm 28,9% và năm 2024 chiếm 22,8%, với tổng số tiền hơn 500.000 tỷ đồng. Điều này nghĩa là trong vòng 3 năm tới, các DN phát hành trái phiếu này sẽ phải chi trả đủ số tiền 500.000 tỷ đồng cho các trái chủ.

Cuối năm 2021 đã có một số trái phiếu DN đến thời điểm đáo hạn nhưng các DN dễ dàng phát hành trái phiếu để đảo nợ. Tuy nhiên, điều này sẽ khó khăn hơn từ 2022 khi thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, dự kiến sẽ ngăn chặn các ngân hàng thương mại mua trái phiếu DN để giúp các DN đảo nợ.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, hiện đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính đã đưa ra một số quy định thắt chặt điều kiện phát hành trái phiếu DN. Những DN không có tài sản đảm bảo, kinh doanh thua lỗ sẽ không được phát hành trái phiếu, nếu không xếp hạng tín nhiệm. Điều này khiến các DN phải vực dậy tình hình kinh doanh nếu không muốn đối mặt với việc không thể trả nợ cho các trái chủ.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam đánh giá hiện nay các nhà đầu tư riêng lẻ đang bị thiếu thông tin và họ mới chỉ quan tâm đến lãi suất mà chưa thực sự quan tâm đến khả năng tài chính, tài sản đảm bảo của các DN phát hành trái phiếu. Ông Ngọc cho biết: “Đa phần người dân mua trái phiếu qua ngân hàng, người ta thường hiểu là ngân hàng sẽ bảo lãnh thanh toán trong điều kiện DN mất khả năng thanh toán. Chính sự nhầm lẫn đấy, làm cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua sự phân phối của các chi nhánh ngân hàng một cách khá dễ dàng. Đấy là một trong những rủi ro mà người tham gia không nắm bắt được thông tin”, báo VOV Giao Thông đưa tin.

Việc một số tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu DN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu.

Các tổ chức này không có trách nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Các nhà đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ các thông tin về DN phát hành, sự minh bạch của báo cáo tài chính, các nội dung liên quan đến tài sản đảm bảo, điều kiện quyền lợi và nghĩa vụ của người mua trái phiếu.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: