Tình trạng phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt và kéo dài của Việt Nam đã khiến cho các thương hiệu trên toàn thế giới thiếu hụt sản phẩm, từ giày dép, áo len cho đến phụ tùng ô-tô và cà phê, trong đó có cả Nike và Gap – 2 hãng thời trang vốn ngày càng phụ thuộc vào các nhà sản xuất tại Việt Nam, AFP đưa tin.

Embed from Getty Images

Tình hình rối ren trong các nhà máy sản xuất tại Việt Nam là một phần của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, khiến lạm phát gia tăng và dấy lên lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới, theo AFP. 

Tại nhà máy vải Hung Yen Knitting & Dyeing (Công ty TNHH Dệt và Nhuộm Hưng Yên) – một mắt xích quan trọng trong dây chuyền sản xuất của các hãng thời trang khổng lồ tại Âu Mỹ, giám đốc người Ý Claudia Anselmi đang phải lo lắng mỗi ngày về việc liệu nhà máy có thể tiếp tục hoạt động hay không. 

Sản lượng của Hung Yen Knitting & Dyeing đã giảm 50% khi đợt bùng phát COVID-19 mới nhất bắt đầu từ mùa xuân năm nay. Nhà máy này đang phải liên tục đối mặt với vấn đề thiếu hụt các loại sợi cần thiết cho vật liệu tổng hợp của mình. 

Vải của Hung Yen Knitting & Dyeing được dùng cho các sản phẩm đồ bơi và quần áo thể thao của các thương hiệu thời trang lớn, bao gồm Nike, Adidas và Gap. Giám đốc Anselmi cho biết: “Ban đầu, chúng tôi thiếu nhân công (để làm việc) vì tất cả mọi người đều bị mắc kẹt ở nhà.”

Giờ đây, “Các lệnh hạn chế đi lại đã đe dọa đến hoạt động hậu cần đầu ra và đầu vào … điều này đã gây nên sự chậm trễ kéo dài.” Bà Anselmi trả lời tờ AFP: “Chúng tôi chỉ tồn tại nếu chúng tôi có đủ nguyên vật liệu.”

Mặc dù các lệnh giãn cách đang được nới lỏng trên toàn quốc khi số lượng ca nhiễm giảm dần, hàng triệu người Việt Nam vẫn phải tuân thủ quy định ở nhà từ nhiều tháng nay. 

Một mạng lưới trạm kiểm soát phức tạp cùng các quy định khó hiểu về giấy phép đi đường đã khiến việc lưu thông hàng hóa của các tài xế xe tải cũng như các doanh nghiệp trở nên bất khả thi, AFP bình luận. 

Ông Hamza Harti, giám đốc điều hành tập đoàn vận tải FM Logistic Việt Nam, cho biết một số tài xế ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bị buộc phải đợi trong xe của mình 3 ngày 3 đêm để có thể vào thành phố Cần Thơ. 

“Họ đã không có thức ăn, không có bất cứ thứ gì”, ông Harti phát biểu trong cuộc thảo luận với Phòng Thương mại Pháp tại Hà Nội.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam

Sự chậm trễ và các lệnh hạn chế đang là vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn trong số đó đã chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây – một xu hướng mới trong bối cảnh chiến tranh thương mại gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh. 

Theo truyền thông nhà nước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết tại khu vực phía Nam – tâm điểm của dịch COVID-19 hiện tại – có tới 90% chuỗi cung ứng trong lĩnh vực may mặc đã bị đứt gãy. 

Tập đoàn Nike thống kê rằng 80% nhà máy của họ đang đặt tại khu vực phía Nam của Việt Nam và một nửa cơ sở may mặc đã phải đóng cửa. Nike vào tuần trước cho biết doanh nghiệp đang vật lộn với tình trạng không sản xuất đủ trang phục thể thao và buộc phải hạ mức doanh thu dự báo. 

50% sản phẩm giày dép của gã khổng lồ trong ngành thời trang thể thao hiện đang phụ thuộc vào Việt Nam. 

Mặc dù một số nhà máy đã có thể xoay sở bằng cách sắp xếp cho nhân viên của mình ăn, ngủ và làm việc tại chỗ nhằm thích ứng với các lệnh phong tỏa, tuy nhiên Vitas cho rằng cái giá phải trả vẫn quá cao. 

Fast Retailing – tập đoàn sở hữu thương hiệu Uniqlo nổi tiếng của Nhật Bản cũng than phiền rằng các lệnh giãn cách đã dẫn đến tình trạng tồn đọng sản phẩm áo len, quần thể thao, áo hoodie và váy đầm của họ. 

Còn gã khổng lồ Adidas đã tính toán rằng chi phí liên quan đến vấn đề chuỗi cung ứng có thể khiến doanh thu cuối năm sụt giảm đến 500 triệu euro (khoảng hơn 13 nghìn tỷ VND).

Ngay cả khi tình trạng phong tỏa có khả năng sẽ được nới lỏng, nhiều người vẫn lo lắng về tác động lâu dài đối với ngành sản xuất của Việt Nam. Nike và Adidas thừa nhận họ đang tìm phương án sản xuất tạm thời ở các nơi khác. 

Trong một bức thư gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, các hiệp hội doanh nghiệp hàng đầu đại diện cho Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Họ cho biết 20% thành viên trong lĩnh vực sản xuất đã rời đi. 

Các hiệp hội viết: “Một khi sản xuất bị dịch chuyển thì rất khó để quay trở lại.”

Tập đoàn sản xuất may mặc Maxport Việt Nam hiện có 6.000 công nhân đang làm việc và cung cấp sản phẩm thời trang năng động cho các thương hiệu như Lululemon, Asics và Nike. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Phó tổng giám đốc tập đoàn đã trả lời tờ AFP rằng, doanh nghiệp của mình đang “rất lo lắng” về việc các thương hiệu rút lại đơn đặt hàng, mặc dù Maxport là một trong số ít công ty may mắn không bị ảnh hưởng nặng trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua. 

Bà Tuyết chia sẻ, nếu không có khách hàng nước ngoài, “các công nhân của chúng tôi sẽ thất nghiệp.”

Ngành ô-tô và cà phê cũng bị ảnh hưởng

Đại dịch cùng các chính sách phong tỏa không chỉ gây thiệt hại cho ngành dệt may của Việt Nam mà còn đe dọa đến nguồn cung cà phê trên toàn cầu. Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Robusta được dùng trong cà phê hòa tan và giá của mặt hàng này đã lên mức cao nhất trong 4 năm qua. 

Các doanh nghiệp sản xuất ô-tô cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Toyota đã cắt giảm sản lượng trong tháng 9 và tháng 10, tập đoàn này trả lời tờ AFP rằng “tác động lớn là ở Việt Nam”, cũng như Malaysia. 

Tình trạng thiếu hụt sản phẩm ngày càng trở nên tồi tệ hơn vì nhu cầu ở các nước phương Tây đang tăng lên sau khi dịch bệnh giảm bớt. 

Quay trở lại với nhà máy Dệt và Nhuộm Hưng Yên, giám đốc Anselmi tin rằng các doanh nghiệp vẫn sẽ gắn bó với Việt Nam nếu đất nước trở lại bình thường vào tháng 10.

Bà Anselmi nói: “Nếu chúng ta có thể cho phép các nhà máy hoạt động thì tôi nghĩ sự tin tưởng (vào Việt Nam) vẫn còn.”

Vy An (theo AFP)

Xem thêm: