Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khẳng định, cần phải cập nhật luật thương mại của Hoa Kỳ nhằm củng cố hệ thống thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện có, đối phó với tình trạng dư thừa sản lượng thép của Trung Quốc và xuất khẩu thông qua đầu tư có trợ cấp ở Đông Nam Á.

Embed from Getty Images

“Các công cụ mà chúng tôi có, chúng tôi biết chúng có thể hiệu quả như thế nào và chúng tôi biết chúng có hạn chế ở đâu,” bà Tai nói với các giám đốc điều hành ngành thép của Mỹ tại Washington hôm thứ Ba (2/11), đồng thời cho biết thêm rằng bà muốn tạo ra một sân chơi bình đẳng mới.

Khi được hỏi liệu các công cụ như vậy có thể được sử dụng nhằm đối phó với việc Trung Quốc trợ cấp cho các nhà máy ở các nước khác, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho họ mua các sản phẩm của Trung Quốc thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, hiện không bị áp thuế trừng phạt của Hoa Kỳ hay không, bà Tai trả lời: “Có.”

“Chúng ta cần phải chuẩn bị triển khai tất cả các công cụ và tìm hiểu để phát triển thêm những công cụ mới, bao gồm cả thông qua hợp tác với các nền kinh tế và quốc gia khác.”

Nhận xét của bà Tai được đưa ra hai ngày sau khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp về thuế quan đối với thép và nhôm từ EU, cho phép một số mặt hàng nhập khẩu miễn thuế của châu Âu vào Hoa Kỳ. Đáp lại, Liên minh châu Âu đã loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ như rượu whisky, thuyền điện và xe máy Harley-Davidson, áp đặt để trả đũa thuế thép và nhôm.

“Thỏa thuận Toàn cầu sẽ tìm cách đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của các ngành công nghiệp của chúng tôi, khuyến khích sản xuất và thương mại thép và nhôm cường độ carbon thấp, đồng thời khôi phục các điều kiện theo định hướng thị trường,” Ủy ban EU nêu rõ trong một tuyên bố.

Bà Tai nhận định, thỏa thuận mới này cũng giải quyết tình trạng dư thừa toàn cầu từ Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn thép và nhôm của nước này rò rỉ vào thị trường Mỹ.

Theo phát biểu trong buổi lễ khai mạc chính thức hôm 2/11 của bà Tai, Trung Quốc chính là tác nhân lớn nhất gây ra tình trạng dư thừa sản xuất trên toàn cầu, chiếm gần 60% sản lượng thép toàn cầu. Đáng chú ý, dòng thép giá rẻ tràn vào hệ thống thương mại toàn cầu đang vắt kiệt lợi nhuận của những nhà sản xuất khác.

Bà nhấn mạnh: “Họ đã đổ hàng tỷ đô la vào ngành công nghiệp thép của mình – làm tổn hại đến lợi ích của người lao động ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Tất cả chúng ta đều biết điều này không bền vững.”

Thế nhưng, khoảng cách giữa năng lực sản xuất thép toàn cầu và nhu cầu, hiện ở mức gần 600 triệu tấn, sẽ tiếp tục tăng lên, bà Tai cho hay.

“Trong tương lai, Hoa Kỳ và EU sẽ phân tích khối lượng nhập khẩu thép và nhôm từ EU mỗi năm, chia sẻ thông tin và thực tiễn tốt nhất về các biện pháp phòng vệ thương mại, và đảm bảo rằng các sản phẩm từ các nền kinh tế phi thị trường không được hưởng lợi từ thỏa thuận này,” bà nói thêm.

Trong một cuộc họp báo ngày 31/10 ở Rome, Tổng thống Joe Biden cũng nhận định, thỏa thuận giữa EU-Hoa Kỳ sẽ giải quyết vấn đề thép Trung Quốc bán phá giá đang “hạ gục” công ăn việc làm, ngành công nghiệp và môi trường của Mỹ.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: