Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự kiến trình Bộ Chính trị Việt Nam về chủ trương đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ USD. Thời gian hoàn thành giai đoạn 1 (665 km) là năm 2032, giai đoạn 2 (894 km) là năm 2050.

duong sat viet nam
Tuyến đường sắt Bắc – Nam ở Việt Nam hiện nay được cho là lỗi thời, cũ kỹ và chưa thể cạnh tranh với các hình thức khác như Đường bộ và Hàng không. (Ảnh:All themes/Shutterstock)

Theo Bộ GTVT, dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến là đường khổ 1,43 mét, chiều dài toàn tuyến 1.545 km, tốc độ chạy tối đa 320 km/h.

Tổng mức đầu tư dự kiến mà Bộ này đưa ra là khoảng 58,7 tỷ USD, bao gồm chi phí xây dựng 31,58 tỷ USD, chi phí giải phóng mặt bằng 1,98 tỷ USD, chi phí thiết bị 15 tỷ USD, chi phí quản lý dự án, tư vấn, khác 5,82 tỷ USD và chi phí dự phòng 4,07 tỷ USD.

Do số tiền đầu tư lớn, Bộ GTVT đưa ra 2 giai đoạn đầu tư. Theo đó, trong giai đoạn 1, dự án sẽ thi công đoạn Hà Nội – Vinh và đoạn Nha Trang – TP.HCM.

Giai đoạn 1 như trên dự kiến hoàn thành vào năm 2032 với tổng chiều dài cả hai đoạn là 665 km.

Giai đoạn 2 đầu tư đoạn Vinh – Nha Trang để nối thông toàn tuyến, chiều dài 894 km, tổng mức đầu tư dự kiến gần 34 tỷ USD. Dự kiến khoảng năm 2040 đưa vào khai thác đoạn Vinh – Đà Nẵng; khoảng năm 2045-2050 khai thác đoạn Đà Nẵng – Nha Trang.

Các dự án Đường sắt trễ hẹn và đội vốn ở Việt Nam

Tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM là Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã được khởi công từ năm 10 năm trước cũng liên tục trễ hẹn ngày về đích.

Dự án ban đầu định hoàn thành năm 2018, sau đó dời đến 2020-2021 và nay thành phố dự kiến đến cuối năm sau mới khai thác thương mại.

Tuyến Bến Thành – Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 và 2008 là 17.387 tỷ đồng, tương đương 126.582,65 triệu Yên Nhật.

Đến năm 2019, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư là 43.757 tỷ đồng – tăng hơn 26.400 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Thứ hai là dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội với chiều dài 12,5 km, gồm có đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, trễ hẹn hơn 10 năm vẫn chưa thể đưa vào khai thác.

Đáng chú ý, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được sử dụng nguồn vốn ODA và bị đội vốn từ tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt là 18.408 tỷ đồng, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 36.000 tỷ đồng.

So với tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là dự án được khởi công sớm hơn, nhưng đến nay vẫn trễ hẹn ngày vận hành khai thác thương mại.

Dự án metro Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng tháng 10/2011. Trải qua 5 kỳ Bộ trưởng GTVT mới có thể đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021, tức sau 10 năm thi công.

Metro Cát Linh – Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc, với tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó “đội vốn” lên 18.000 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD).

Công ty Metro Hà Nội (đơn vị vận hành) đã tuyển dụng và đào tạo gần 800 người vận hành tuyến đường sắt dài chỉ 13 km với 12 ga, trong đó có khoảng 200 người được đào tạo tại Trung Quốc.

Theo số liệu từ báo Thanh Niên, thị phần vận tải của ngành đường sắt năm 2020 giảm xuống gần như 0%, chỉ còn chiếm khoảng 0,2% lượng vận chuyển hành khách và 1,2% lượng vận tải hàng hóa. Trong khi đó, vận tải bằng đường hàng không chiếm 31,4% thị phần và đường bộ là 65,6% năm 2020.

Những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể kể đến như cơ sở hạ tầng cũ kỹ, đường ray lỗi thời, hệ thống quản lý nhà ga chưa nâng cấp, chất lượng phục vụ hành khách kém, giá vé cao so với các phương tiện vận chuyển khác và thời gian di chuyển lâu hơn, v.v. Những vấn đề này đã tồn tại nhiều năm.

Tuấn Minh