Bộ Xây dựng đã đề nghị bỏ quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

bo xay dung bo truong nguyen thanh nghi bo truong bo xay dung
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị báo cáo về Luật Nhà ở (sửa đổi) hôm 17/3. (Ảnh: moc.gov.vn)

Trong văn bản gửi Chính phủ mới đây của Bộ Xây dựng, sau khi tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi), Bộ này nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, tác động lớn đến xã hội và còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nhất là với phương án có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn, theo Tuổi Trẻ.

Do vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ cho phép không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tuy nhiên có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng; trường hợp phá dỡ nhà chung cư và trách nhiệm chủ thể liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại chung cư; việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong cải tạo, xây mới lại nhà chung cư cũ hiện nay.

Trước đó, nội dung về sở hữu nhà chung cư, thời hạn sở hữu nhà chung cư do cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Xây dựng) đưa ra 2 phương án: Phương án 1 bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư; phương án 2 không quy định về sở hữu nhà chung cư.

Trên cơ sở đó, Chính phủ đã quyết định báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án có quy định về sở hữu chung cư có thời hạn trong dự thảo luật.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA, hiện nay cả nước có hơn 4.500 khu nhà chung cư tại các đô thị. Riêng TP.HCM có hơn 1.569 khu nhà chung cư với hơn 2.550 tòa nhà (block), có hàng trăm ngàn căn hộ nhà chung cư, trong đó hơn 470 khu nhà chung cư xây dựng trước 1975, Tạp chí Nhịp sống Thị trường đưa tin.

Ông Châu cho biết quy định thêm trường hợp “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” là chưa chuẩn xác, chưa phù hợp với khoản 3 Điều 237 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “quyền sở hữu chấm dứt” trong trường hợp “tài sản đã bị tiêu hủy”.

Bên cạnh đó, quy định “quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi có thông báo phá dỡ nhà chung cư” cũng chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ Luật Dân sự 2015.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là can thiệp đến quyền sở hữu của người dân nên đề xuất không lựa chọn phương án này. Theo quy định của pháp luật, quyền sở hữu với tài sản được Nhà nước bảo vệ và đảm bảo trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Nhà nước chỉ hạn chế quyền sở hữu của người dân trong một số trường hợp đặc biệt để bảo vệ lợi ích công cộng, theo báo Vnexpress.

Bên cạnh đó, mặc dù mục tiêu hướng đến bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của người dân, cách thức quy định theo hướng hạn chế quyền sở hữu như tại Dự thảo là chưa phù hợp, trong khi Nhà nước có công cụ khác để đảm bảo mục tiêu này.

Thứ hai là tác động của quy định đến thị trường bất động sản. VCCI cho biết quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng (không muốn mua nhà chung cư với quyền sở hữu bị hạn chế bởi thời hạn), dẫn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì khó bán sản phẩm.

Đức Minh