Lệnh cấm nhập khẩu than nhiệt và than cốc từ Úc của Bắc Kinh có khả năng sẽ kéo dài “vô thời hạn” trong lúc quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng xấu đi, theo SCMP. Lệnh cấm này đang khiến nhiều tàu hàng Úc bị mắc kẹt tại các cảng Trung Quốc.

shutterstock 1498565615
(Ảnh: Shutterstock)

Các nhà phân tích hàng hoá cho biết việc nhà chức trách Trung Quốc thông báo lệnh cấm bằng lời là một cách tiếp cận không chính thức và có động cơ chính trị, dù nó phù hợp với việc thắt chặt hạn ngạch thương mại nhập khẩu than và với mục tiêu giảm tiêu thụ và phát thải khí carbon của Bắc Kinh.

“Không có khả năng hải quan Trung Quốc sẽ đưa ra bất cứ chỉ dẫn chính thức hay văn bản nào yêu cầu cấm nhập khẩu than Úc, vì Úc sẽ có cơ sở để khiếu nại theo các quy tắc của [Tổ chức Thương mại Thế giới].”

Hạn ngạch nhập khẩu than tại một số cảng của Trung Quốc hiện đã dùng hết cho năm 2020.

“Hiện nay có nhiều tàu chở than của Úc đã chờ tại các cảng của Trung Quốc hơn một tháng vì giấy chứng nhận thông quan nói chung rất chậm. Nhiều nguồn tin chỉ ra rằng số tàu đang chờ tại các cảng Trung Quốc gần đây tăng lên khá nhiều,” Deepak Kannan, môt nhà phân tích về than nhiệt của S&P Global Platts cho biết.

“Một số báo cáo cho rằng có tới 7 triệu tấn than đang nằm trong các khoang tàu chờ đợi dọc bờ biển Trung Quốc, tăng từ thường lệ 4 đến 5 triệu tấn.” 

S&P Global Platts nói rằng các công ty nhà nước gồm Huaneng Power International, Datang International Power Generation Company, Huadian Power International và Zhejiang Electric Power đã được thông báo về lệnh tạm dừng nhập khẩu. Một trong số các công ty này đã huỷ đơn đặt hàng than 5.500kcal/kgNAR có hàm lượng tro cao của Úc.

Lệnh cấm đưa ra giữa lúc quan hệ thương mại hai nước đang xấu đi từ hồi tháng Tư sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus corona mà không tham vấn trước Bắc Kinh.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã áp đặt một loại thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch Úc, cấm nhập khẩu thịt bò từ năm lò mổ và phát động các cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ giá với loại rượu vang giá rẻ của Úc ở Trung Quốc.

Đây là lần thứ hai trong năm nay Trung Quốc cấm nhập khẩu than Úc. Hồi tháng Năm, sau khi thông báo lệnh trừng phạt đối với thịt bò và lúa mạch, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung quốc (NDRC) đã cấm mua than nhiệt của Úc để thúc đẩy giá than nội địa.

Trong khi có những nghi ngờ rằng lệnh cấm có động cơ chính trị, thị trường than nội địa của Trung Quốc đã có vấn đề về nguồn cung và giá cả từ hồi đầu năm, buộc chính quyền phải hạn chế nhập khẩu để kiểm soát tình trạng trong nước.

Úc đã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc kể từ khi dỡ bỏ lệnh phong toả do virus corona.

Nửa đầu năm nay, Úc là nhà xuất khẩu than cốc lớn nhất của Trung Quốc – một loại nhiên liệu chính trong sản xuất thép – do sự bùng nổ xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà cửa, cùng với việc vận chuyển hàng từ Mông Cổ bị ngăn trở vì lệnh cấm do virus. 

Tuy nhiên, lệnh cấm gần đây còn nhằm vào than nhiệt được sử dụng trong sản xuất năng lượng điện và là loại được nhập khẩu nhiều hơn trong hai loại.

Không bàn về động cơ, thì việc kiểm soát nhập khẩu than phù hợp với mục tiêu giảm ô nhiễm và củng cố ngành than của Trung Quốc, nhà phân tích cao cấp Sean Xie tại công ty phân tích hàng hoá Mysteel Globan, cho biết. 

“Năng lực cung cấp trong nước của Trung Quốc đang gia tăng sau việc khai thác các mỏ có năng suất cao và đóng cửa các mỏ nhỏ và không hiệu quả,” ông Xie nói.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: