Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), các khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trải dài từ lĩnh vực sản xuất cho đến du lịch. Với cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra bất ngờ, leo thang bạo lực, nỗ lực khôi phục kinh tế sản xuất và mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ ngày 15/3 của Chính phủ Việt Nam gặp nhiều thách thức hơn nữa.

gia xang dau
Cuộc chiến Nga-Ukraine ảnh hưởng đến một số lĩnh vực kinh tế của Việt Nam như: Du lịch, nông lâm thủy sản, ngành xăng dầu,…. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Giao thương kinh tế giữa Việt Nam và Nga, Ukraine

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga là khoảng 3,2 tỷ USD; sang Ukraine là khoảng 345 triệu USD. Con số trên là khá khiêm tốn so với giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường như: Mỹ (đạt 96,2 tỷ USD); Trung Quốc (56 tỷ USD); Nhật Bản (20,1 tỷ USD), Hàn Quốc (22 tỷ USD),…

Ở chiều ngược lại, năm 2021, Việt Nam nhập khẩu từ Nga là 2,3 tỷ USD; còn Ukraine là 375 triệu USD.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương cho biết Việt Nam xuất siêu tổng cộng 109,1 triệu USD sang Nga. Trong đó, xuất khẩu đạt 555,3 triệu USD, chiếm 1,03% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 446,2 triệu USD, chiếm 0,8% nhập khẩu cả nước.

Với thị trường Ukraine, Việt Nam xuất siêu 49,1 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 57,5 triệu USD, chiếm 0,11% kim ngạch xuất khẩu cả nước; nhập khẩu đạt 8,4 triệu USD.

Theo đó, mức độ giao thương kinh tế giữa Việt Nam và Nga, Ukraine không nhiều (chỉ chiếm khoảng 1-2% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước). Do vậy, tác động lên kinh tế tổng thể của Việt Nam được cho là không lớn. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng thêm một ảnh hưởng tiêu cực có thể làm khó thêm cho nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ Việt Nam.

Một số tác động của chiến tranh Nga-Ukraine đến kinh tế Việt Nam

Hiện nay, các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga như: loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT; cấm giao dịch với ngân hàng Trung ương Nga và quỹ đầu tư nước ngoài của Nga hay cân nhắc việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga khiến một số lĩnh vực của Việt Nam bị ảnh hưởng như: Du lịch, nông lâm thủy sản, ngành xăng dầu,…

Đối với lĩnh vực du lịch, theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019, khách đến Việt Nam du lịch lần lượt đến từ: Trung Quốc (5.806.425 lượt); Hàn Quốc (4.290.802 lượt); Nhật Bản (951.962 lượt); Đài Loan (926.744 lượt); Hoa Kỳ (746.171 lượt); Nga (646.524 lượt),…

Nga là thị trường khách du lịch đứng thứ 6 của Việt Nam trong năm 2019, với thời gian lưu trú mỗi khách trung bình 14 ngày/kỳ nghỉ và chi tiêu khoảng 110 USD/người/ngày.

Hiện nay, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine, các du khách Nga dự định sang Việt Nam đã có tín hiệu lần lượt hủy tour.

du lich quoc te
Việt Nam dự kiến mở lại du lịch quốc tế sau khoảng 2 năm ‘đóng băng’ do dịch viêm phổi Vũ Hán, song chiến tranh Nga-Ukraine lại bất ngờ nổ ra. (Ảnh minh họa: khanhhoa.gov.vn)

Ông Nguyễn Đức Tấn – Tổng giám đốc Công ty TNHH Anex cho biết sức mua của khách du lịch người Nga đang sụt giảm do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine. Từ trước Tết Nguyên đán, công ty này đã ghi nhận tình trạng nhiều khách hủy tour, gần đây số lượng khách hủy lên gần gấp đôi do người Nga ngần ngại đi du lịch trong thời điểm chiến sự đang leo thang giữa Nga và Ukraine – theo báo Khánh Hòa.

Bà Hoàng Thị Phong Thu – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lữ hành Pegas Việt Nam cho biết đang từng bước khởi động lại các tour đưa khách Nga đến Việt Nam nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, hiện nay du lịch vấp phải khó khăn khi cuộc chiến Nga-Ukraine xảy ra ngay trước thời điểm Việt Nam chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3.

Doanh nghiệp du lịch lo ngại không chỉ thị trường khách Nga, Ukraine,… bị ảnh hưởng mà các thị trường khác cũng bị “vạ lây” do những căng thẳng chính trị, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ khiến giá dầu tăng, lạm phát cao kỷ lục ở châu Âu, v.v… ảnh hưởng đến chi phí tour và điều kiện kinh tế khó khăn khiến khách du lịch ngần ngại chi tiêu hơn.

Đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản của Việt Nam, theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Nga đạt 550 triệu USD vào năm 2021, trong đó một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu đáng kể như: thủy sản (164 triệu USD); cà phê (173 triệu USD); tiêu, điều (60 triệu USD).

Theo truyền thông trong nước đưa tin, hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Nga được cho là đã “tạm dừng”.

“Khi xung đột nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết – báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho biết: “Nga là một trong những thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Rất nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản sang Nga của các doanh nghiệp Việt Nam chưa được thanh toán. Mọi giao dịch đều bị chặn đứng”, báo Dân Việt dẫn lời.

thuy san xuat khau
Việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nga, Ukraine bị đình trệ do các tác động gián tiếp từ chiến tranh. (Ảnh minh họa: tongcucthuysan.gov.vn)

Hiện tại, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn và rủi ro hơn khi giao dịch với thị trường Nga. Do vậy, nhiều doanh nghiệp chọn cách tìm thị trường khác để bù đắp thay vì mạo hiểm xuất khẩu sang Nga ở thời điểm này.

Đối với ngành xăng dầu, vốn đang là điểm nóng của dư luận khi đã có 6 lần tăng giá liên tiếp (kể từ ngày 25/12/2021). Điều này đã thiết lập giá xăng cao chưa từng có – 26.830 đồng/lít xăng RON95. Dự kiến sắp tới, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng khi giá dầu thế giới theo đà leo cao. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu của Việt Nam tăng trung bình 14,3%.

Theo CNBC, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 125 USD/thùng vào ngày 6/3 do sự lo lắng về một lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ và các đồng minh. Việc giá dầu thế giới tăng liên tục do ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga-Ukraine có thể khiến giá xăng dầu Việt Nam thiết lập những đỉnh mới.

Theo tính toán, xăng đang chịu khoảng 42-43% thuế phí, dầu chịu khoảng 21-27%. Điều đó nghĩa là khi người dân mua 100.000 đồng tiền xăng thì phải trả đến 42.000-43.000 đồng tiền thuế phí.

Để kiềm chế giá xăng dầu, Chính phủ Việt Nam cần phải bỏ bớt thuế phí vì công cụ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ bình ổn xăng dầu đã gần như cạn kiệt, thậm chí một số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn báo quỹ âm rất nặng, như: Petrolimex (âm 158 tỷ đồng); PVOil (âm 827,19 tỷ đồng), Tân Nhật Minh (âm 113 tỷ đồng),…

Vừa qua, Bộ Tài chính dự định giảm thuế bảo vệ môi trường từ 500-1.000 đồng/lít. Điều này được cho là không tác động được nhiều đến hạ nhiệt giá xăng dầu. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ít nhất 2.000 đồng/lít do hiện nay mức thuế này lên đến 4.000 đồng/lít (đối với xăng RON95).

Chiến tranh Nga-Ukraine đã tạo ra một cú sốc không chỉ với người dân thế giới mà còn khiến nỗ lực khôi phục kinh tế của các chính phủ trở nên khó khăn hơn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Nga sẽ tiếp tục chiến tranh Ukraine cho đến cuối cùng”. Do đó, tình hình chiến sự không rõ sẽ kéo dài bao lâu, tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ còn khó đoán định.

Quang Minh