Chia sẻ trên truyền thông hôm 15/7, một chuyên gia đầu tư nổi tiếng ở Phố Wall nói rằng giới tài chính đang trở nên thận trọng hơn đối với đầu tư tại Trung Quốc, điều này sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ, đặc biệt là về ngành sản xuất chất bán dẫn đang được Mỹ quan tâm nhất.

Greg Fleming
Chủ tịch Greg Fleming của công ty dịch vụ tài chính và quản lý tài sản độc lập Rockefeller Capital Management. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo Bloomberg, chủ tịch Greg Fleming của công ty dịch vụ tài chính và quản lý tài sản độc lập Rockefeller Capital Management cho biết, ông tin rằng do căng thẳng địa chính trị gia tăng và thêm vào là chính sách phong tỏa xã hội của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) đã khiến các tổ chức tài chính ngày càng thận trọng hơn trong việc đầu tư vào Trung Quốc.

“Sẽ có sự thận trọng hơn về mức độ đầu tư vốn tại Trung Quốc”, ông Fleming nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu của Bloomberg.

Ông cho biết kỳ vọng xu thế cẩn trọng với Trung Quốc này sẽ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chính xác của Mỹ như chất bán dẫn, động thái sẽ có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Dù vậy vấn đề cũng có thể kích thích lạm phát vốn đã cao của Mỹ.

Fleming từng là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Ngân hàng Merrill Lynch, nơi ông đã lãnh đạo một số giao dịch mua bán và sáp nhập lớn vào những năm 2000. Sau đó, trong một thời gian dài ông giữ chức Chủ tịch của Morgan Stanley Investment Management. Bắt đầu từ năm 2017 với tư cách tham gia sáng lập Rockefeller Capital Management, ông là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty dịch vụ tài chính và quản lý tài sản độc lập này.

Theo Bloomberg, tính đến ngày 31/3, công ty có trụ sở tại New York này đã quản lý 95 tỷ USD tài sản của khách hàng trong 3 lĩnh vực kinh doanh của họ.

Fleming cho biết, việc các công ty tài chính lớn của Mỹ đang rút lui khỏi châu Á là một xu hướng đi ngược lại với chiến lược trong phần lớn sự nghiệp của ông. “Trong quá khứ tất cả các công ty tài chính lớn ở Mỹ đã cố gắng thiết lập hoạt động tại các thị trường này, nhưng bây giờ họ đang dần rút lui về thị trường nội địa cả về tài chính cũng như thương mại”, ông nói.

Thời điểm ông Fleming được đưa ra bình luận này là lúc chính quyền Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế Quý II năm nay cho thấy thực trạng tồi tệ nhất của họ kể từ khi bùng phát COVID-19, cho thấy tác hại kinh tế của việc nhà cầm quyền Trung Quốc áp dụng chính sách ‘Zero-COVID’ và làm trầm trọng thêm lo ngại về triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Một số chuyên gia tin rằng sự xuất hiện của nhiều biến thể COVID-19 dễ lây lan hơn trong năm nay có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc có khả năng áp đặt các đợt phong tỏa lâu hơn và khắc nghiệt hơn để kiểm soát bùng phát.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong vòng 3 tháng tính đến tháng Sáu vừa qua tăng trưởng GDP trong năm của Trung Quốc chỉ đạt 0,4%, dù sau khi một số lệnh phong tỏa được dỡ bỏ thì dữ liệu tiêu dùng có dấu hiệu cải thiện nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã tăng lên mức cao mới 19,3%.

Nhìn chung tăng trưởng GDP theo năm của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 2,5%, khiến mục tiêu 5,5% của họ dường như nằm ngoài khả năng.

Tờ Washington Post đã dẫn lời một số nhà kinh tế tin rằng số liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy thực tế nền kinh tế của nước này có thể tồi tệ hơn do nhiều yếu tố như khủng hoảng bất động sản và vấn đề tiêu dùng hộ gia đình giảm mạnh.  

Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, ông Logan Wright cho biết nhìn từ suy giảm trong lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách của Trung Quốc cũng như doanh số về bán bất động sản, vật liệu xây dựng và chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình Trung Quốc cho thấy toàn cảnh bức tranh tồi tệ hơn so mức dữ liệu mà cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra.

Wright nói: “Chúng tôi cho rằng bằng chứng rõ ràng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể hơn [dữ liệu của cơ quan chức năng] trong Quý II”.

Trước đó đã có nhiều thông tin cho rằng chính sách ‘Zero-COVID’ của nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ảnh hưởng nặng nề đến các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, khiến nhiều công ty phải cân nhắc chuyển các khoản đầu tư của họ ra nước khác. Tỷ lệ các công ty châu Âu cân nhắc rút các khoản đầu tư của họ ra khỏi Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ.

Nhưng lo lắng về tương lai không chỉ đánh vào niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc mà ngay cả giới người giàu Trung Quốc cũng cảm thấy e sợ và nóng lòng muốn rời khỏi đất nước.