Đại diện Bộ Tài chính dẫn lời TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng “mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít”.

Xang tang gia
Giá xăng đã tăng lũy kế 2.230 đồng/lít kể từ đầu năm. (Ảnh: Gia Bảo)

‘Thuế môi trường đối với xăng dầu 4.000 đồng/lít vẫn còn quá thấp’

Mới đây, trao đổi về dự thảo Nghị quyết tăng thuế môi trường đối với xăng lên kịch trần 4.000 đồng/lít đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài Chính cho biết mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được xây dựng dựa theo Luật thuế bảo vệ môi trường quy định mức thuế môi trường đối với các hàng hóa chịu thuế theo mức độ tác động xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính khẳng định mức thuế môi trường đưa ra là phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội theo từng thời kỳ, giảm thiểu tổn hại đến sức khỏe, môi trường. “Hơn nữa, theo tính toán của một số nhà khoa học để hoàn trả lại môi trường thì mức thuế bảo vệ môi trường có thể còn phải ở mức cao hơn nữa”, bà Hằng cho hay.

Minh chứng cho điều đó, đại diện Bộ Tài chính dẫn lời TS. Huỳnh Thế Du tại một cuộc họp của Ủy ban Tài chính Ngân sách vào năm 2017 cho rằng “nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ), thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000 – 20.000 đồng/lít.”

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính còn viện dẫn hiện nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Lào, Campuchia cũng đều đang áp thuế môi trường đối với xăng dầu với tỷ lệ thuế xăng dầu (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở cao hơn nhiều so với Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế xăng dầu trên giá cơ sở tại một số nước trong khu vực được áp dụng như sau: tại Thái Lan khoảng 67%, Philippines là 62%, trong khi ở Lào khoảng chừng 56%, Campuchia là 40%.

Một số nước khác như Hàn Quốc lên đến 70%, Nga khoảng chừng 52% và ở Mỹ là khoảng 53%. Trong khi Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ đang ở mức 37,5%, còn quá thấp so với các nước.

>> Áp lực tăng giá xăng không đơn thuần là thuế bảo vệ môi trường

Nên điều chỉnh ở mức 10.000 – 20.000 đồng/lít?

Nhận định của TS. Huỳnh Thế Du sau khi được đại diện Bộ Tài chính dẫn chứng lập tức vấp phải làn sóng phản đối và cho rằng mức thuế 10.000 – 20.000 đồng đối với một lít xăng là điều không tưởng.

Xung quanh vấn đề này, vào chiều ngày 24/5, TS. Huỳnh Thế Du cho biết với báo Người Lao Động rằng trích dẫn của Bộ Tài chính về ý kiến của ông đối với mức điều chỉnh trên là đúng nhưng chưa đủ.

Cụ thể, ông Du cho biết con số thuế môi trường đối với xăng từ 10.000 – 20.000 đồng/lít được ông đưa ra dựa trên nghiên cứu của Ian Parry (2010) ước tính ngoại tác là 1,65 USD/gallon, tương đương khoảng 10.000 đồng/lít và nghiên cứu của Drew Shindell (2015) chi phí ngoại tác là 3,8 USD/gallon, tương đương khoảng 20.000 đồng/lít.

Tuy nhiên, chuyên gia đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fullgright cho rằng muốn áp dụng tại Việt Nam cần có nghiên cứu cụ thể để phù hợp với điều kiện, tình hình trong nước.

Trước đó, Chính phủ vừa bật đèn xanh để Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng, dầu lên kịch trần.

Theo đó, Chính phủ đề xuất tăng mức thuế môi trường đối với xăng từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít; dầu, mỡ tăng từ 900 lên 2.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 lên 2.000 đồng mỗi lít.

Dự kiến thời gian áp dụng sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2018.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: