Chưa năm nào doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với khó khăn trăm bề như năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID lây lan khiến nhu cầu thị trường sụt giảm, doanh nghiệp còn phải gồng mình chịu trận khi rất nhiều chi phí đầu vào tăng phi mã.

thainguyen.govvn
Thép tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (Ảnh: thainguyen.gov.vn)

Nhiều chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng

Đối với lĩnh vực xây dựng, giá thép có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tài chính của dự án, từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2021, biến động giá thép bất thường đã khiến các doanh nghiệp trở tay không kịp. Giá phôi thép vào tháng 5/2021 tăng 41% so với tháng 12/2020 (từ 10.800.000 đồng/tấn lên 15.278.360 đồng/tấn), theo báo Việt Nam Net đưa tin.

Đặc thù của ngành xây dựng là thời gian dự án kéo dài, việc giá thép tăng “dựng đứng” trong vòng chưa tới 1 năm khiến các doanh nghiệp xây dựng lao đao, đến nay giá thép vẫn đang tiếp tục xu hướng tăng, mức tăng của giá thép trong năm 2021 trung bình khoảng 50% tùy từng loại thép.

Một nhà thầu chuyên về các công trình xây dựng nhà ở và giao thông – ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty 319 cho biết chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40% – 70% tổng giá trị dự toán công trình, chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là thép xây dựng, xi măng, đá, cát và gạch đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 – 1,4 lần. Điều này khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công, buộc phải chọn giải pháp chấp nhận bị phạt thầu hoặc mất bảo lãnh thực hiện hợp đồng, báo Giao thông đưa tin.

Câu chuyện tăng giá xăng dầu cũng khiến nhiều doanh nghiệp và người dân oằn mình gánh thêm chi phí vận tải. Ngày 11/1/2021, giá xăng RON95 là 16.930 đồng/lít, giá xăng E5 RON92 là 15.940 đồng/lít. Đến kỳ điều hành giá ngày 10/11 đã tăng lên thêm 7.000-8.000 đồng/lít xăng, tăng hơn 40% trong vòng 11 tháng. Kỳ điều chỉnh giá xăng gần nhất (ngày 25/12) thì giá xăng RON95 là 23.295 đồng/lít, giá xăng E5 RON92 là 22.550 đồng/lít, tính cả năm giá 2 loại xăng tăng trung bình khoảng 39%. Tương tự, giá dầu Diesel tăng khoảng 42% (từ 12.370 đồng/lít lên 17.570 đồng/lít).

Với giá gas, trong năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 9 lần (tháng 1, 2, 3, 6, 7, 8, 9, 10 và 11) và giảm 2 lần (tháng 4 và 5), với tổng mức tăng là hơn 100.000 đồng/bình 12 kg so với thời điểm cuối năm 2020. Đến đầu tháng 12, giá gas mới giảm được 24.000-24.500 đồng/bình 12 kg sau chuỗi ngày tăng áp đảo.

Đầu tháng 12/2021, giá nhiều loại phân bón hiện đã vượt mốc 1 triệu đồng/bao (loại 50kg), khiến gánh nặng càng đè lên vai người nông dân trong vụ mùa sắp tới. Trong khi việc sản xuất phân hỗn hợp trong nước hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu nên khó có thể hạ giá sản phẩm.

Chia sẻ với báo Dân Việt, anh Huỳnh Minh Nghĩa (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An), cho biết hiện nay giá mua phân đạm Cà Mau là 1.050.000 đồng/bao, còn phân DAP là 1.375.000 đồng/bao và Kali là 1.100.000 đồng/bao. Trong khi cùng kỳ năm trước, phân đạm Cà Mau chỉ có 370.000 đồng/bao, DAP giá 580.000/bao, Kali giá chỉ 430.000/bao.

Chưa kể hiện nay các doanh nghiệp và công nhân phải chi tiền thêm cho hoạt động phòng, chống dịch như test COVID, chi phí cách ly nếu có ca dương tính, v.v.

Sức mua giảm, Chính phủ có thể kích cầu kinh tế khiến nguy cơ lạm phát chực chờ

Theo nhiều chuyên gia, thực trạng tăng giá phi mã của nhiều mặt hàng thiết yếu nhưng chỉ số CPI dự kiến năm 2021 chỉ tăng khoảng 2%, nguyên nhân được cho là sức mua hay tổng cầu trong nền kinh tế đang ở mức rất thấp. Hiện nay, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn vì một năm qua số lượng người dân thất nghiệp tăng đáng kể, nếu may mắn có việc làm thì mức lương cũng không dư nhiều như trước để mua sắm, du lịch.

Vừa qua, thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người rút BHXH một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2020, có 860.741 người rút BHXH một lần (chiếm trên 5% số người tham gia BHXH), tăng 53.652 người (tăng 6,65% so với năm 2019). Lựa chọn rút BHXH một lần được xem như giải pháp tình thế khi người lao động đối diện với quá nhiều khó khăn cần tiền để chi tiêu và không có đủ niềm tin để chờ đợi.

Trong các diễn đàn kinh tế thảo luận về giải pháp phục hồi nền kinh tế trong năm 2022, nhiều chuyên gia đã bàn về việc đề xuất Chính phủ đưa ra các gói kích cầu hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất hay giảm thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế VAT để kích cầu người tiêu dùng, v.v. Nhiều người bày tỏ hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhưng đan xen với đó là sự lo lắng dòng tiền “nóng” không đi vào sản xuất mà tìm đến những kênh đầu cơ sinh lãi cao như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, v.v. Điều này tiềm ẩn rủi ro gây ra lạm phát như từng xảy ra vào giai đoạn năm 2009-2011 (năm 2011 lạm phát lên đến 18,6%).

Đánh giá lại về gói kích cầu kinh tế những năm 2008-2009, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng nói: “Mục tiêu của gói chính sách đó là kích cầu đầu tư, sản xuất, an sinh xã hội, nhưng không kiểm soát tốt, thiếu đồng bộ giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nên khi hỗ trợ lãi suất lớn, tiền không chảy vào sản xuất, mà chảy vào chứng khoán, bất động sản,… Hậu quả là lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô”. Ông Dũng cũng nói đã rút được kinh nghiệm để không mắc lại những sai lầm trong việc triển khai các gói kích cầu kinh tế sắp tới.

Vậy nên, gói kích cầu dự kiến hỗ trợ vực dậy nền kinh tế trong năm 2022 cần phải khắc phục được những sai sót trong việc “uốn nắn” dòng tiền vốn vào đúng khu vực sản xuất tư nhân. Nếu không thực sự minh bạch thông tin và kiểm soát tốt nguồn vốn từ đầu vào đến đầu ra, hệ lụy lạm phát vẫn sẽ là bài học mà các Bộ, ngành tiếp tục “rút kinh nghiệm”.

 Quang Minh (t/h)

Xem thêm: