Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của việc Google và Facebook phân chia gần 80% quảng cáo kỹ thuật số của Đài Loan, ngày 2/12, các học giả báo chí nước này đã tổ chức “Diễn đàn Thương lượng Nền tảng và Dân chủ Báo chí” để ứng phó với vấn đề này.

Facebook Google
(Ảnh minh họa: Koshiro K/Shutterstock)

Theo Thời báo Tự do (Liberty Times) Đài Loan, tự do báo chí của Đài Loan được thế giới công nhận là số một châu Á. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của 2 ‘gã khổng lồ’ Google và Facebook ở quốc gia này đã dẫn đến những khó khăn trong quản lý truyền thông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng bài phát biểu và lợi ích công chúng của Đài Loan, thậm chí đe dọa nền tảng của nền chính trị dân chủ.

Vào ngày 2/12, “Diễn đàn Thương lượng Nền tảng và Dân chủ Báo chí” đã được tổ chức để kêu gọi truyền thông trong nước đoàn kết và khuyến nghị chính phủ can thiệp lấy lại doanh thu quảng cáo tin tức của chính họ từ Google và Facebook.

Diễn đàn chỉ ra, ảnh hưởng của phần mềm mạng xã hội ngày càng tăng, 85% quảng cáo kỹ thuật số trên thế giới đổ vào Google và Facebook. Hai công ty lớn này đang nỗ lực để phát triển công nghệ nhằm độc quyền quảng cáo kỹ thuật số. Điều này đã dẫn đến sự mất mát lớn của quảng cáo truyền thông toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của tin tức. Do đó, các quốc gia bao gồm Liên minh Châu  Âu, Úc, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Canada và Ý đã liên tiếp áp dụng các biện pháp trừng phạt, luật pháp và can thiệp hành chính để xây dựng lại sự cạnh tranh thị trường công bằng và bình đẳng giữa các nền tảng và phương tiện truyền thông.

Theo giáo sư Lâm Chiếu Chân (Lin Zhaozhen) tại Viện Nghiên cứu Báo chí Đại học Quốc gia Đài Loan, để có được nhiều quảng cáo hơn, trước tiên, Google và Facebook cung cấp các dịch vụ miễn phí để thu thập một lượng lớn dữ liệu người dùng, sau đó sử dụng các thuật toán để thao túng dữ chúng nhằm cung cấp cho các nhà quảng cáo những quảng cáo chính xác. Ngoài ra, 2 công ty này cũng sử dụng chiến lược phát triển các mô hình lợi nhuận không đồng đều ở các quốc gia.

Ông cho biết, ngoài ra, do Google sử dụng nội dung trên phương tiện truyền thông tin tức nhưng không trả tiền cho các phương tiện truyền thông này, Đức và Pháp hiện đã ra luật trừng phạt công ty này. Cơ chế Instant Article (IA) của Facebook cũng gặp vấn đề tương tự, một số lượng lớn quảng cáo đã được chèn vào, nhưng Facebook hoàn toàn không trả tiền cho việc sử dụng nội dung truyền thông.

Giáo sư Phùng Kiến Tam (Feng Jiansan) của Khoa Báo chí Đại học Chengchi, cho biết dưới tác động của 2 nền tảng này, báo chí Đài Loan mất doanh thu quảng cáo nhiều hơn các nước khác. Kết quả là kinh phí cho việc biên tập tin tức đã giảm mạnh, số phóng viên giảm, lương và điều kiện làm việc của các phóng viên…tất cả đều giảm.

Ông nói thêm, nhiều quốc gia ở nước ngoài, sau khi cùng báo chí vận động hành lang, chính quyền địa phương đã sử dụng 3 phương pháp bao gồm hành chính, tư pháp và lập pháp, để các nền tảng công nghệ phải trả lại tiền của họ.

Giáo sư Phùng Kiến Tam gợi ý rằng một phương pháp tốt hơn là trực tiếp thu các khoản quyên góp đặc biệt để có doanh thu quảng cáo. Có thể tham khảo cách đánh thuế quảng cáo của Thụy Điển trong những năm 1970 để hỗ trợ báo chí, hoặc Hà Lan trong những năm 1970 và Hàn Quốc trong những năm 1980 với tiền lệ chuyển một phần doanh thu quảng cáo của đài phát thanh và truyền hình cho báo chí để bảo vệ quyền tự do báo chí và cân bằng thị trường quảng cáo độc tài.

Giáo sư Trần Bình Hoành (Chen Binghong) tại Viện Truyền thông đại chúng Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, chỉ ra rằng trong thời đại kỹ thuật số, Google và Facebook kiểm soát những gì người đọc có thể hoặc không thể nhìn thấy thông qua các thuật toán. Hành vi này đã tạo thành hiệu ứng tầng bình lưu đe dọa các phương tiện truyền thông như một diễn đàn công cộng và ảnh hưởng đến nền tảng của chính trị dân chủ. Cũng giống như người nắm quyền trong thời đại độc tài, mục đích của việc kiểm soát chỉ là chuyển từ chính trị sang kinh tế. Ông nhắc nhở quần chúng cần phải trang bị khả năng đọc tin tức truyền thông để bảo vệ nền dân chủ.

Các học giả truyền thông Đài Loan đã cùng đưa ra 3 kiến nghị:

  • Yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện quyền lực công của mình để điều tra các giao dịch thương mại không rõ ràng, các thương lượng bất bình đẳng giữa các nền tảng đa quốc gia và phương tiện truyền thông; 
  • Áp thuế liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng đa quốc gia; 
  • Yêu cầu các nền tảng đa quốc gia cung cấp số tiền hợp lý để hỗ trợ sự phát triển của nội dung tin tức chất lượng cao trong xã hội Đài Loan.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: