14 hiệp hội ngành hàng cho hay chỉ 15-20% doanh nghiệp (DN) còn cầm chừng hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, còn đa số đều buộc phải tạm ngừng sản xuất. Trong khi đó, các DN vẫn phải chi trả chi phí kho bãi, nhà xưởng.., các khoản phí liên quan người lao động (bảo hiểm xã hội, phí công đoàn…) vẫn giữ nguyên. 

doanh nghiep ba tai cho
Cty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia IDI (chế biến xuất khẩu cá tra) áp dụng “3 tại chỗ” và cuộc thị sát của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – ông Phạm Thiện Nghĩa, tháng 8/2021. (Ảnh minh họa: dongthap.gov.vn)

14 hiệp hội ngành hàng đứng đơn kiến nghị gửi tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ vào chiều 30/8 gồm: Lương thực thực phẩm TP.HCM, Thực phẩm minh bạch, Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Nhựa Việt Nam, Dệt may Việt Nam, Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam, Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Da giày – Túi xách Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Sữa Việt Nam, Giấy và bột giấy Việt Nam, Chè Việt Nam.

Theo 14 hiệp hội, hiện chỉ 15-20% DN thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, còn lại đa số đều buộc phải tạm ngừng sản xuất.

Các DN phải chấp nhận không có doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản định phí lớn như thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho người lao động…

Dẫn ví dụ, các hiệp hội cho biết theo tính toán sơ bộ của một công ty thủy sản quy mô trung bình, mức thua lỗ trung bình là 10 tỷ đồng/tháng khi phải ngưng sản xuất. Trong ngành dệt may, với doanh nghiệp cỡ trung bình 4.000 lao động ngưng sản xuất, chỉ riêng khoản chi trả công nhân 14 ngày đầu là 14 tỷ đồng (mức bình quân chi trả cho 2,5 triệu đồng/người).

“Hầu hết các ngành hàng của chúng tôi đều sử dụng nhiều lao động, có điểm chung là chi phí cho người lao động (chi phí tiền công, tiền bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn) là chi phí lớn nhất. Nay phải sản xuất cầm chừng (3 tại chỗ) hoặc dừng sản xuất – công suất, sản lượng giảm tới 70%, nhưng các chi phí liên quan người lao động (bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn…) vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp vẫn phải trả lương ngừng việc – khiến khó khăn càng chồng chất, khó trụ vững dài ngày”, 14 hiệp hội nêu trong bản kiến nghị.

Theo đó, 14 hiệp hội các ngành hàng đưa ra đưa ra 4 đề nghị gửi Tổng Liên đoàn đoàn Lao động Việt Nam.

Thứ nhất, các hiệp hội đề nghị sửa đổi Quyết định 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 về việc hỗ trợ tiền ăn cho người lao động, theo hướng không phân biệt phạm vi áp dụng toàn tỉnh hay toàn huyện, hoặc khu vực nhỏ hơn. Trường hợp DN có trụ sở ở địa điểm không áp dụng Chỉ thị 16 nhưng có địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở nơi giãn cách thì vẫn áp dụng.

Thứ hai, các hiệp hội đề nghị miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 cho các DN và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Thứ ba, dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến ngày 30/6/2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tức là áp dụng đối với DN có 15% lao động trở lên (gồm lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) phải tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định của Tổng liên đoàn.

Thứ tư, cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại DN trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Đây không phải là lần đầu tiên áp lực về kinh phí công đoàn được các DN đề cập khi sản xuất bị ảnh hưởng lớn trong đại dịch COVID-19. Hồi tháng 10/2020, 8 hiệp hội ngành hàng đã gửi bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các tổ chức và bộ, phòng, kiến nghị “giảm kinh phí công đoàn xuống còn tối đa 1% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội” (thay vì mức 2%) và “dùng toàn bộ kinh phí công đoàn chăm lo tốt hơn nữa cho người lao động”.

Ngoài ra, bản kiến nghị còn nêu nhiều bất cập về các quy định trong luật khác của tổ chức công đoàn, như DN đang phải đóng thuế 2 lần khi căn cứ theo Luật Ngân sách Nhà nước, DN đóng thuế là đã gián tiếp đóng góp kinh phí cho công đoàn thông qua ngân sách nhà nước; ước tính 1 đồng chi cho người lao động thì mất 0,5 đồng chi lương phụ cấp và quản lý hành chính cho các cấp công đoàn.

Ngày 30/8, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết 100% DN tham gia khảo sát cho rằng “3 tại chỗ” chỉ là phương án cầm cự, khi thiếu lao động, chi phí thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm… quá lớn, nguồn dự trữ trong kho đã cạn trong khi việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn…

Theo VASEP, nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng – khai thác – chế biến – kinh doanh – xuất nhập khẩu đang hiện tiền trước mắt. Nhiều DN cân nhắc phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước ngày 15/9, tình hình dịch bệnh ở các địa phương chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.

Đầu tháng 8, Hội Dệt – May – Thêu – Đan TP.HCM (AGTEK) cho biết chỉ 15% DN dệt may đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, nhưng công suất hoạt động chỉ ở mức 35%; còn lại 85% DN phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất. Chuỗi cung ứng bị gãy đổ rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến tiến độ giao hàng và dòng tiền của DN.

Bạn đọc có thể tham khảo đầy đủ nội dung kiến nghị tại đây.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Gần 1,2 triệu lao động tự do đã nhận hỗ trợ gần 2.180 tỷ đồng – Liệu đã đủ?