Giá phân bón trong nước neo cao, cùng với việc xuất khẩu thuận lợi đã khiến các doanh nghiệp phân bón và hóa chất lãi lớn trong 9 tháng đầu năm 2022. Tính chung 10 tháng, Việt Nam xuất khẩu 1,5 triệu tấn, đạt giá trị gần 973 triệu USD. Tuy vậy, Việt Nam cũng nhập về hơn 2,77 triệu tấn, tổng trị giá nhập tới hơn 1,3 tỷ USD.

nguoi dan trong chuoi o Lao Cai gia phan bon tang doanh nghiep phan bon lai lon
Người dân trồng chuối ở tỉnh Lào Cai. (Ảnh: baolaocai.vn)

Trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu phân bón tăng cao với khoảng 1,5 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 973 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, tăng hơn 45% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch.

Ở chiều ngược lại, 10 tháng của năm 2022, Việt Nam nhập khẩu trên 2,77 triệu tấn phân bón các loại, trị giá trên 1,3 tỷ USD. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm hơn 50% trong tổng lượng và chiếm 45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Đứng thứ hai là nhập khẩu từ thị trường Nga; thị trường Đông Nam Á đứng thứ ba. Nhìn chung, trong 10 tháng qua nhập khẩu phân bón từ hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022, Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (mã cổ phiếu: DCM) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 3.300 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng gần 2.300 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của DCM đạt hơn 1.007 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ 2021.

Theo giải trình từ công ty, trong quý 3, sản lượng tiêu thụ các loại sản phẩm tăng 30% so với cùng kỳ, cùng với giá phân bón tiếp tục neo cao. Cụ thể, phân Ure đạt 13.781 đồng/kg (tăng 32%), NPK đạt 14.045 đồng/kg (tăng 20.4%) làm cho doanh thu bán hàng tại công ty mẹ tăng mạnh. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng bật tăng mạnh nhờ khoản lãi chênh lệch tỷ giá.

Lũy kế 9 tháng, DCM đạt doanh thu thuần là 11.466 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ và lãi sau thuế 3.272 tỷ đồng, cao gấp 4 lần cùng kỳ. Với kết quả này, DCM đã vượt 27% kế hoạch doanh thu và 538% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tương tự, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã cổ phiếu: DPM) đạt doanh thu thuần quý 3 gần 3.885 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của DPM đạt hơn 14.727 tỷ đồng, tăng hơn 91% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 4.439 tỷ đồng, tăng 201% so với 9 tháng đầu năm 2021 và vượt 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa, người dân trồng rau cho biết giá mỗi kg bó cải canh chỉ 700 đồng, rau mùi 1.000 đồng/kg,… trong khi giá phân bón tăng gấp 2, 3 lần. Ngay cả thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp cũng tăng giá. Theo tính toán, giá phân bón chiếm tới 40% giá thành sản xuất của người nông dân, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Trước đó, thời điểm tháng 5, giá phân bón được cho đã lên rất cao, bà Nguyễn Thị Tâm ở huyện Thanh Oai, Hà Nội cho hay gia đình có hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa. Hàng năm, chi phí phân bón cho mỗi vụ khoảng 1,4 triệu đồng, nhưng giá phân bón tăng cao, mỗi vụ sẽ phải tốn khoảng 2,5 triệu đồng/vụ.

“Làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp, mà các chi phí xăng dầu, phân bón, thuê lao động liên tục tăng cao như hiện nay, người dân không có lãi. Với tình trạng này, việc bỏ ruộng đã được nhiều hộ trong làng tính đến để chuyển sang làm việc khác,” bà Tâm cho hay.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết giá phân bón trong nước phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào như khí, than, thị trường và nguồn nhập khẩu.

Ông Cường cho hay để sản xuất phân bón DAP, doanh nghiệp phải mua lưu huỳnh từ Nga và Trung Đông hay kali nhập khẩu từ Nga và Belarus do trong nước chỉ sản xuất được rất ít. Do đó, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, cùng với ảnh hưởng dịch COVID-19 tại Trung Quốc đã dẫn đến nguy cơ đứt gãy nguồn cung, tác động đến việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất

Trọng Minh