Dự án đường sắt Phả Lại – Hạ Long có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án đã triển khai 15 năm nhưng đã dừng thi công từ năm 2011, ngày càng hoang phế.

dự án đường sắt phả lại hạ long
Dự án đường sắt Phả Lại – Hạ Long bị bỏ hoang từ năm 2011 đến nay, bất kể 4.556 tỷ đồng đã đưa vào dự án. (Ảnh: qtv.vn)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã trả lời bằng công văn câu hỏi của cử tri tỉnh Hải Dương gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri Hải Dương nêu: Dự án đường sắt Phả Lại – Hạ Long đã triển khai 15 năm nhưng đang dừng thi công, gây nhiều hệ luỵ do chia cắt hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, chia rộng ô thửa lớn thành thửa nhỏ… Theo đó, cử tri đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất hoặc nếu dừng thì hoàn trả mặt bằng để người dân ổn định cuộc sống.

Bộ GTVT cho biết Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư từ năm 2004, gồm 4 tiểu dự án vận hành độc lập.

Về hiện trạng, các tiểu dự án Lim – Phả Lại và Phả Lại – Hạ Long (trên địa bàn tỉnh Hải Dương) đã cơ bản đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công phần nền đường, các công trình trên tuyến (cầu, cống, hầm chui…).  Năm 2011, dự án bị tạm dừng dãn tiến độ, kéo dài đến nay.

Bộ GTVT cho biết theo đánh giá tổng thể, dự án sẽ không phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã được đầu tư và tiếp tục có những thiệt hại nhất định.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư khó khăn như hiện nay, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho một số dự án cấp bách để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM hiện có. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nghiên cứu, kêu gọi để tiếp tục đầu tư theo hình thức xã hội hóa đối với các hạng mục còn lại để hoàn thành Dự án theo Quy hoạch phát triển GTVT đường sắt”, công văn trả lời của Bộ GTVT cho hay.

Mặt khác, Bộ này cho biết cũng đang rà soát danh mục dự án (trong đó bao gồm dự án trên) để xem xét, đề xuất đầu tư trong giai đoạn tới khi cân đối được nguồn vốn.

Như vậy, khi có nhà đầu tư quan tâm hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp với địa phương để tiếp tục thực hiện dự án”, Bộ GTVT kết luận.

Tuy nhiên, theo tính toán mới nhất của Bộ GTVT, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỷ đồng bên cạnh 4.556 tỷ đồng đã được bố trí. Như vậy, để hoàn thành dự án, tổng mức đầu tư đã “đội” lên thành 10.556 tỷ đồng so với 7.665 tỷ được phê duyệt năm 2004. Lý do tăng là thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng…

Thực tế, khoản kinh phí này vượt khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.

Dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư năm 2004, tháng 5/2015, Bộ GTVT khởi công. Dự án có tổng chiều dài 131 km, trong đó 43 km xây dựng mới và 88 km cải tạo, nâng cấp đường cũ.

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên có tốc độ thiết kế 120km/h được triển khai thi công ở Việt Nam, được kỳ vọng trở thành một trong những tuyến động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tham gia kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam – Trung Quốc.

Tổng mức đầu tư dự án là 7.665 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng năm 2011, dự án vẫn dang dở, bị tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ. Hiện dự án bị bỏ hoang.

Sơn Nguyên

Xem thêm: