Mới đây, tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đồng ý cấm vận phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga để gia tăng sức ép lên nước này vì cuộc chiến ở Ukraine. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích chỉ ra tác động của lệnh trừng phạt có thể giảm bớt nếu giá dầu tiếp tục tăng cao và Nga tìm các quốc gia khác để bán dầu mỏ.

EU cam van dau Nga EU ra lenh trung phat cam nhap dau Nga 2140645587
EU đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu 90% dầu Nga đến cuối năm 2022 nhưng tác động của lệnh trừng phạt vẫn còn bỏ ngỏ. (Ảnh minh họa: GoodIdeas/Shutterstock)

Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định cấm gần như tất cả dầu từ Nga để trừng phạt nước này vì xâm lược Ukraine. Đây là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của Moscow, nhưng tác động của nó có thể bị giảm bớt bởi giá năng lượng tăng và các quốc gia khác sẵn sàng mua dầu của Nga, các chuyên gia trong ngành năng lượng cho biết.

Tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga khoảng 90% trong sáu tháng tới, một hành động được coi là khó xảy ra được chỉ vài tháng trước.

Thỏa thuận đạt được khi EU chấp nhận tạm miễn trừ một tuyến đường ống dẫn dầu từ Nga khỏi lệnh cấm để giành sự ủng hộ của Hungary. Theo các nhà ngoại giao EU, lệnh cấm vận sẽ bao gồm dầu và các chế phẩm dầu mỏ của Nga được vận chuyển bằng đường biển, chiếm khoảng 2/3 lượng dầu mà EU nhập khẩu từ Nga mỗi năm.

Lệnh trừng phạt này sẽ không áp dụng đối với dầu thô được vận chuyển bằng đường ống tới Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech. Hiện các nước EU vẫn chưa thống nhất thời gian miễn trừ sẽ kéo dài bao lâu.

Hungary cho rằng một lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ khiến nền kinh tế nước này gặp rủi ro do phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung dầu thô của Nga. Gói trừng phạt này chỉ có hiệu lực khi được tất cả 27 thành viên EU nhất trí. Đó là lý do các lãnh đạo EU phải nhượng bộ Hungary.

Thỏa thuận trên sẽ mở đường cho gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Moscow, bao gồm các biện pháp nhắm đến các ngân hàng và các đài truyền hình nhà nước của Nga.

Các nguyên thủ quốc gia châu Âu ca ngợi quyết định này là một bước ngoặt, nhưng các nhà phân tích thận trọng hơn.

Ngoài việc giữ lại một số thị trường châu Âu, Nga có thể bán một số dầu trước đây bị ràng buộc sang châu Âu cho Trung Quốc, Ấn Độ và các khách hàng khác ở châu Á, mặc dù họ sẽ phải giảm giá, Chris Weafer – Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Macro-Advisory cho biết.

“Hiện tại, điều đó không gây tổn thất lớn về mặt tài chính đối với Nga vì giá cả toàn cầu đang tăng cao. Chúng cao hơn nhiều so với năm ngoái”, ông Chris nói. “Vì vậy, ngay cả Nga cũng giảm giá có nghĩa là họ có thể bán dầu của mình với giá gần bằng những gì họ đã bán vào năm ngoái”.

Ông lưu ý rằng “Ấn Độ là một người mua sẵn sàng”“Trung Quốc chắc chắn muốn mua thêm dầu vì cả hai đều là những quốc gia đang được hưởng lợi lớn trên thị trường toàn cầu”.

Matteo Villa – một nhà phân tích tại viện nghiên cứu ISPI ở Milan, cho biết Nga sẽ chịu tác động khá đáng kể ngay bây giờ nhưng cảnh báo rằng động thái này cuối cùng có thể phản tác dụng.

“Rủi ro là giá dầu thế giới tăng lên vì các lệnh trừng phạt của châu Âu. Và nếu giá tăng lên rất nhiều, Nga sẽ bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn và châu Âu ‘thua cược’ ván này”, ông Matteo nói.

Tuy vậy, châu Âu là thị trường năng lượng chính của Moscow, điều này khiến quyết định hôm thứ Hai trở thành nỗ lực quan trọng của EU để trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

“Các biện pháp trừng phạt có một mục đích rõ ràng: thúc đẩy Nga chấm dứt cuộc chiến này, rút quân và đồng ý với Ukraine về một nền hòa bình hợp lý và công bằng”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói.

Năm vòng biện pháp trước đó bao gồm hạn chế tiếp cận thị trường vốn, đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga ở nước ngoài, loại bỏ các tổ chức tài chính của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu than và một số hàng hóa khác của Nga.

Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói rằng thỏa thuận trừng phạt dầu thô sẽ tạo ra “áp lực tối đa đối với Nga để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine”.

Phản ứng trước sự đồng thuận của EU về lệnh cấm vận phần lớn dầu của Nga, Mikhail Ulyanov – Đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở thủ đô Vienna (Áo), cho biết Moscow sẽ tìm các nhà nhập khẩu dầu khác. Vừa qua, Tập đoàn năng lượng Gazprom cũng đã ngừng cung cấp khí đốt đến Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan.

Tại Việt Nam, hôm 24/5, liên Bộ Công thương-Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu lên mức kỷ lục mới. Theo đó:

– Xăng E5 RON92 giá 29.630 đồng/lít (tăng 680 đồng/lít).

– Xăng RON95 giá 30.650 đồng/lít (tăng 670 đồng/lít).

– Dầu hỏa giá 24.400 đồng/lít (giảm 760 đồng/lít).

– Dầu Diesel giá 26.650 đồng/lít (giảm 1.110 đồng/lít).

– Dầu mazut giá 20.590 đồng/kg (giảm 970 đồng/lít).

So với giá xăng dầu ở kỳ điều chỉnh đầu tiên (ngày 11/1/2022), giá xăng E5 RON92 tăng 6.480 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 6.780 đồng/lít; giá dầu hỏa còn tăng 7.270 đồng/lít, giá dầu còn Diesel tăng 7.320 đồng/lít và giá dầu mazut còn tăng 4.230 đồng/kg.

Kiến Minh dịch, theo AFP, Financial Times và Newsmax