Phiên giao dịch ngày 18/7 chứng kiến giá vàng miếng SJC giảm tới hơn 5 triệu đồng/lượng, nếu cộng thêm chênh lệch mua-bán, người dân mua vàng cuối tuần trước có thể đã lỗ 5-6 triệu đồng/lượng.

giá vàng lao dốc giá vàng SJC vàng thị trường vàng 1719670405
Vàng SJC “rơi tự do” khiến nhà đầu tư có thể đã lỗ từ 5-6 triệu đồng/lượng nếu mua vào cuối tuần trước và cắt lỗ vào hôm 18/7. (Ảnh minh họa: Hernan E. Schmidt/Shutterstock)

Chiều ngày 18/7, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý SJC đảo chiều tăng nhẹ sau khi rớt hơn 5 triệu đồng một lượng trong phiên, chốt phiên tại mức giá 63,5 – 64,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Bên cạnh đó, công ty SJC nâng giá mua lên 1,5 triệu đồng và giá bán 500.000 đồng so với đầu chiều, qua đó chênh lệch mua bán được thu hẹp từ 2 triệu đồng xuống 1 triệu đồng mỗi lượng.

Tại hai công ty kinh doanh vàng khác là DOJI và PNJ, giá vàng SJC cũng đảo chiều tăng 1,5 – 2 triệu đồng/lượng lên tương ứng 63,5 – 65,5 triệu đồng/lượng và 62,8 – 64,8 triệu đồng/lượng (chiều mua – bán)

Giá vàng miếng SJC có lúc giảm hơn 5 triệu đồng một lượng chỉ từ buổi sáng tới khoảng 15-16h chiều trước khi tăng lại vào cuối phiên. Tính ra, mỗi lượng vàng vào cuối ngày 18/7 đã “rơi tự do” tới 4-5 triệu đồng/lượng, tương đương giảm 7% trong ngày. Đây là mức giảm kỷ lục trong ngày của vàng miếng từ trước đến nay.

Trong khi vàng miếng SJC rơi thẳng đứng, giá vàng trang sức nguyên vật liệu không có biến động đáng kể. Giá vàng nhẫn tròn trơn được giao dịch quanh vùng giá 5,2 – 5,3 triệu đồng một chỉ.

Diễn biến của giá vàng miếng trong nước đi ngược với giá vàng thế giới phiên hôm 18/7, song kim loại quý này trong hai tuần qua cũng đã mất hơn 100 USD mỗi ounce.

Sau phiên giảm sốc của giá vàng miếng SJC, chênh lệch giữa hai thị trường được thu hẹp về khoảng 15,5 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank cùng thời điểm (chưa thuế, phí).

Ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng giá vàng miếng lao dốc đột ngột trong phiên 18/7 xuất phát từ lực bán mạnh trên thị trường, theo báo Vnexpress.

Một chuyên gia lâu năm trên thị trường cũng đánh giá, động thái vàng miếng SJC rớt giá mạnh trong phiên 18/7 có thể đến từ lực bán của những đơn vị nắm giữ vàng trên thị trường. Chuyên gia này loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán can thiệp vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối vì động thái này là không cần thiết và cũng không phải ưu tiên của nhà điều hành trong bối cảnh hiện tại.

Hơn 10 năm nay, thị trường lưu hành một lượng hữu hạn vàng miếng SJC, theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), con số này ở mức 20 triệu lượng.

Hoạt động mua bán vàng miếng SJC thực chất diễn ra giữa những người đang giữ vàng miếng SJC được sản xuất từ thời gian trước. Vì thế, vàng miếng SJC gần như tách biệt với giá giá vàng thế giới và các thương hiệu vàng còn lại ở trong nước, kể cả với vàng nhẫn.

Vấn đề sửa Nghị định 24 về kinh doanh vàng lại được đưa ra gần đây khi giá vàng miếng SJC luôn duy trì mức cao hơn giá vàng thế giới từ 18 – 20 triệu đồng/lượng. Nhiều chuyên gia chỉ ra thực tế có thể thấy giá vàng SJC bắt nhịp với chiều tăng của thế giới rất nhanh, nhưng khi vàng thế giới xuống thì vàng SJC đứng im hoặc xuống rất chậm, gần như thoát ly khỏi thị trường thế giới.

Tại phiên họp chất vấn hôm 8/6, lãnh đạo NHNN cho biết chưa cần nhập khẩu vàng để can thiệp về giá. Tuy vậy, có Đại biểu đặt vấn đề liệu có sự thao túng giá trên thị trường vàng ở Việt Nam?

Trả lời nghi vấn trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng lý giải do trước đây thực hiện chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế từ năm 2012 (qua Nghị định 24) nên đã không nhập vàng để sản xuất vàng miếng kể từ năm 2014.

Do đó, nguồn cung trong nước đã bị giảm, người dân ưa chuộng vàng SJC nên nhu cầu vẫn tăng dẫn đến giá niêm yết lên cao hơn so với các thương hiệu khác. Tuy vậy, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ xem xét về việc sửa Nghị định 24 nếu không còn phù hợp.

Đức Minh