Giá vé máy bay nội địa tăng đụng trần, thậm chí cao hơn giá vé bay ra nước ngoài khiến nhiều người lựa chọn các chặng bay quốc tế để đi du lịch trong dịp 30/4 và 1/5. Doanh nghiệp cho rằng điều này bất thường và ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

shutterstock 1652568697
(Ảnh minh họa: Lek/Shutterstock)

Theo đó, dù các hãng hàng không trong nước (Vietnam Airlines, Vietjet,…) cho rằng bán vé đúng quy định, không vượt giá trần nhưng  cá doanh nghiệp nhận thấy giá vé tăng cao như năm nay là rất bất thường, gây tiêu cực đến nhu cầu đi lại, di chuyển của người dân trong dịp 30/4, theo báo Tuổi Trẻ.

Gia đình chị Nguyễn Mỹ Chi (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết sau khi tham khảo giá vé đi Phú Quốc và Thái Lan không chênh lệch bao nhiêu, chị quyết định chuyển đi từ nội địa sang bay quốc tế cho chuyến đi chơi dịp lễ này.

“Bay trong nước mà giá ngang ngửa bay quốc tế, tôi tin số đông người sẽ ưu tiên bay đi nước ngoài chơi thay vì đi du lịch trong nước”, chị Chi nói – Tuổi Trẻ dẫn lời.

Nhiều gia đình, du khách đã chuyển kế hoạch đi du lịch nước ngoài khi phát hiện giá vé máy bay trong nước quá cao, trong khi giá chặng quốc tế lại rẻ bất ngờ, thậm chí giá vé bay quốc tế ở một số chặng còn rẻ hơn đường bay trong nước.

Gia đình anh Phương (ngụ Quận 7) cho biết sẽ đi Úc trong dịp 30/4 năm nay vì giá vé máy bay của Vietjet khứ hồi chỉ có hơn 6 triệu đồng/người.

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines cho biết tại các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài phải ưu tiên hơn cho chuyến bay quốc tế, do vậy số chuyến nội địa sẽ giảm, dẫn đến nguồn cung ít và đẩy giá cao, Zing đưa tin.

Ngoài ra, các hãng cũng có xu hướng đẩy giá vé lên “kịch trần” để tối ưu doanh thu và tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, nguyên nhân vì đề xuất tăng trần giá vé nhưng chưa được phê duyệt.

Vietnam Airlines và Vasco cho hay dịp lễ này cung ứng gần 551.000 chỗ (tương đương gần 2.800 chuyến bay) trên các đường bay nội địa trong thời gian từ ngày 26/4 đến 5/5.

Tuy nhiên, số chuyến bay chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022 chứ không tăng rầm rộ như những đợt cao điểm khác.

Đây cũng là tình trạng chung của các hãng bay trong giai đoạn hiện nay: khó tăng chuyến do kín lịch cất hạ cánh ở hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Nhu cầu du lịch nước ngoài (outbound) cũng tăng mạnh với các đường bay đưa khách Việt đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Singapore…

Hãng Vietjet Air cho hay cũng xây dựng kế hoạch khai thác tăng khoảng 30% so với lịch bay thường lệ. Trong khi đó, Bamboo Airways sẽ khai thác tối đa đội máy bay hiện có với khoảng 176 – 178 chuyến bay/ngày.

Trước bối cảnh các chặng bay nội địa ngày càng đắt đỏ, các điểm du lịch ít có đổi mới và tình trạng “chặt chém” giá cả ở Việt Nam diễn ra thường xuyên, nhiều người dân có xu hướng đi các nước trong khu vực với mức chi phí tương đương.

Đức Minh