Sau Vietjet Air, hãng Hàng không Air Seoul đã nối lại đường bay với Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa hôm 24/6, sau hơn 2 năm ngưng trệ vì dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán). Tần suất bay được thông báo là 4 chuyến mỗi tuần.

hãng bay Air Seoul nối lại dường bay với Cam Ranh mở lại dường bay Hàn Quốc Cam Ranh baokhanhhoa.vn
Việc nối lại đường bay với Hàn Quốc có thể giúp Khánh Hòa đón lượng khách quốc tế tăng trở lại trong thời gian tới. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Sáng ngày 24/6, Văn phòng đại diện của Hãng hàng không Air Seoul tại Cam Ranh đã phối hợp với Công ty cổ phần nhà ga quốc tế Cam Ranh tổ chức lễ đón chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Air Seoul (Hàn Quốc) đến sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) sau 2 năm tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh. Được biết, Air Seoul khai thác đường bay Incheon – Cam Ranh với tần suất là 4 chuyến/tuần.

Chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Air Seoul có 187 hành khách đã hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh lúc 10h55.

Theo lãnh đạo Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Air Seoul là hãng hàng không thứ hai khai thác trở lại đường bay Incheon – Cam Ranh. Trước đó, ngày 20/5, Hãng hàng không Vietjet Air cũng đã khai thác trở lại đường bay Incheon – Cam Ranh với tần suất 3 chuyến/tuần. Theo kế hoạch, ngày 1/7, Vietnam Airlines cũng tiếp tục khai thác trở lại đường bay này, báo Khánh Hòa đưa tin.

Được biết, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Khánh Hòa đã đón 42.507 lượt khách quốc tế, tăng 122,5% so với cùng kỳ. Với việc các hãng hàng không trong nước và quốc tế khai thác trở lại các đường bay quốc tế từ Hàn Quốc, Uzbekistan, Singapore và sắp tới là Malaysia, dự kiến trong thời gian tới lượng khách quốc tế đến với Nha Trang – Khánh Hòa sẽ có mức tăng trở lại.

Chi phí nhiên liệu bay tăng, chi phí tour tăng theo giá vé máy bay

Các hãng bay tại Việt Nam cho biết kế hoạch tăng chuyến trong dịp hè với tần suất bay tăng kỷ lục. Chẳng hạn, thời điểm này, Vietnam Airlines khai thác 430 chuyến bay/ngày, Vietjet 450 chuyến/ngày, phần lớn các chuyến bay là nội địa. Thống kê tỷ lệ đặt vé trên website, các hãng ghi nhận lượng khách đi lại dịp hè tăng mạnh, thậm chí vượt thời điểm trước dịch năm 2019, theo báo Tuổi Trẻ.

Tuy vậy, giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao khiến chi phí hoạt động của hãng tăng thêm hàng ngàn tỷ đồng. Các hãng hàng không khác cũng thừa nhận “cơn bão” giá vé máy bay trước giá nhiên liệu tăng cao là điều không thể tránh khỏi.

Ông Vũ Đức Biên, Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines cho hay tốc độ phục hồi hàng không nội địa rất nhanh, Kỳ vọng sự bùng nổ nhưng giá nhiên liệu biến động mạnh vẫn là thách thức lớn đối với hàng không.

“Giá nhiên liệu bay Jet-A1 hiện đã lên tới 140 USD/thùng là thách thức cực lớn cho các hãng hàng không. Trong bối cảnh này, giá vé máy bay muốn giảm rất khó. Nếu giá nhiên liệu hạ nhiệt về mốc 80 – 100 USD/thùng, giá vé máy bay sẽ được điều chỉnh xu hướng giảm”, ông Biên cho biết, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giá nhiên liệu chiếm 30-40% trong tổng chi phí của hãng bay. Khi giá nhiên liệu tăng, buộc nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới phải nâng giá vé để bù đắp chi phí.

“Tất cả chúng ta đều phải trả nhiều tiền hơn để đổ đầy bình xăng của mình và máy bay cũng vậy. Giá nhiên liệu là một nguồn chi phí lớn của hàng không, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi giá vé máy bay tăng mạnh”, IATA nhận định.

Việc giá vé máy bay tăng cao đang trở thành rào cản với khách đi du lịch. Các công ty du lịch cho biết giá các sản phẩm du lịch đã tăng khoảng 5-10% tùy tuyến do chi phí vận chuyển tăng.

Tiến Minh