Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có văn bản góp ý về việc không nên áp dụng hình thức hợp đồng BOT (thu phí) đối với việc nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu tại TP.HCM.

ong le hoang chau horea chu tich Horea le hoang chau
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
(Ảnh: Vietnamfinance.vn)

Mới đây, Chính phủ vừa có Tờ trình số 236 đến Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ Dự thảo về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Góp ý về Dự thảo nói trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội HoREA cho biết không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng công trình đường bộ hiện hữu.

Bởi nếu thực hiện sẽ có thể xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường BOT phải trả phí, tiềm ẩn phát sinh các bức xúc trong xã hội.

Trên thực tế, đã từng xảy ra xung đột lợi ích giữa “nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng” trên các công trình BOT tại một số địa phương trong những năm trước đây.

HoREA nhận thấy nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới đường giao thông, trong đó có đường bộ theo hợp đồng BOT thì hợp lý. Nhưng đối với đường bộ hiện hữu mà thực hiện theo hợp đồng BOT thì chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng, ông Châu khẳng định, báo Dân Việt đưa tin.

Thay vào đó, HoREA đề xuất nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư.

Hợp đồng BT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, không thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khác.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất lên Chính phủ Việt Nam dùng số tiền ngân sách hơn 6.800 tỷ đồng để mua lại 5 trạm BOT, chấm dứt hợp đồng của nhà đầu tư.

5 dự án không thể bổ sung vốn và cần phải dùng hơn 6.800 tỷ đồng ngân sách nhà nước để mua lại gồm: Dự án BOT cầu Bình Lợi; BOT đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa; BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91 TP Cần Thơ; BOT đường Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3 đoạn km75-100 và BOT đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610.

Điểm chung của 5 dự án trên là không có khả năng thu phí, vỡ phương án tài chính do doanh thu thấp, đồng thời có dự án bất cập trong việc đặt vị trí trạm khiến dư luận phản đối.

Trọng Minh