Cổ phiếu của Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines: HVN) vừa bị Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cảnh báo về khả năng bị hủy niêm yết nếu lợi nhuận và vốn chủ sở hữu năm nay tiếp tục âm.

Vietnam Airlines Hang khong Vietnam Airlines lo nghin ty vietnam airlines bi huy niem yet 210139120
Vietnam Airlines muốn thoát lỗ nhưng đề ra kế hoạch kinh doanh lợi nhuận âm khoảng 9.300 tỷ đồng trong năm 2022. (Ảnh: Jaggat Rashidi/Shutterstock)

Hiện tại, cổ phiếu của Vietnam Airlines đang nằm trong diện “kiểm soát giao dịch” vì vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2 năm gần nhất cũng là số âm.

Theo Luật Chứng khoán, một doanh nghiệp chỉ cần rơi vào một trong ba trường hợp dưới đây đều sẽ bị xem xét hủy niêm yết:

– Kết quả sản xuất, kinh doanh lỗ trong 3 năm liền.

– Tổng số lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp.

– Vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Do đó, HoSE vừa lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên, lợi nhuận của cổ đông công ty mẹ Vietnam Airlines âm hơn 5.100 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế đến ngày 30/6 vượt 28.900 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã âm xấp xỉ 4.900 tỷ đồng.

Như vậy, Vietnam Airlines nhiều khả năng đáp ứng đủ cả 3 trường hợp hủy niêm yết theo Luật nếu kết quả kiểm toán năm 2022 tiếp tục cho kết quả kinh doanh thua lỗ.

Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, Vietnam Airlines đặt kế hoạch doanh thu công ty mẹ hơn 45.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm khoảng 9.300 tỷ cả năm nay. Tuy vậy, các chỉ tiêu này chưa bao gồm doanh thu, lợi nhuận thu được từ việc thoái vốn của Vietnam Airlines tại các công ty thành viên.

Trong giải trình về biện pháp khắc phục chứng khoán bị kiểm soát gửi HoSE hồi đầu tháng 8, Vietnam Airlines cho biết năm 2022 sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ và lỗ hợp nhất. Trong đó, doanh nghiệp này sẽ tái cơ cấu danh mục tài sản và danh mục đầu tư để gia tăng thu nhập, dòng tiền và chuẩn bị phương án phát cổ phiếu để tăng vốn chủ khi được phê duyệt.

Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói “giải cứu” 12.000 tỷ đồng (Nghị quyết 194) dành cho Vietnam Airlines. Trong đó, bao gồm 4.000 tỷ đồng là Vietnam Airlines được vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại; 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua lượng cổ phiếu của Vietnam Airlines trong đợt này với giá trị khoảng 6.880 tỷ đồng.

Sau phương án giải cứu trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) là cổ đông lớn nhất của Vietnam Airlines, chiếm 55,2% vốn; tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần, Tập đoàn Hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 5,62% và một số cổ đông nhỏ khác chiếm 8,04% còn lại.

Thiên Tùng