Sau gần 4 tháng, các cửa khẩu phía Bắc ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai vẫn trong tình trạng ùn ứ khiến giá nông sản rớt mạnh. Nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Bình Thuận phải phá bỏ vườn thanh long khi không chịu nổi áp lực thua lỗ kéo dài.

Theo số liệu được cập nhật lúc 14h ngày 22/3 từ Bản đồ mật độ phương tiện tại cửa khẩu của Cổng thông tin một cửa của Việt Nam (vnsw.gov.vn), số lượng xe đang tồn tại các cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai như sau:

cua khau phia Bac un tac cua khau
Vào thời điểm 14h ngày 22/3, số lượng xe ùn ứ tại cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai vẫn còn rất lớn (nhấp vào hình để phóng lớn) (Bảng thống kê: Quang Minh tổng hợp/Trí Thức VN)

Theo đó, sau gần 4 tháng (từ tháng 12/2021 đến nay), tình trạng ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc nhìn chung vẫn chưa được giải quyết. Hiện tại, nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận phải phá bỏ vườn do giá bán rớt mạnh, có thời điểm giá thu mua tại vườn chỉ còn dao động khoảng 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí không có thương lái hỏi mua.

Mới đây, anh Nguyễn Thế Anh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phải nhổ bỏ hơn 3.000 gốc cây thanh long mặc dù cây vẫn còn tươi tốt. Anh Thế Anh cho hay anh đã trồng 3 lứa thanh long liên tiếp nhưng lần nào cũng rớt giá thê thảm, trong nước không tiêu thụ hết, xuất khẩu qua Trung Quốc thì không đi được, báo Vnexpress đưa tin.

Tiền bán thanh long không đủ trả tiền điện chong đèn, tiền phân thuốc và công chăm sóc. Mỗi lứa đầu tư lỗ đến mấy chục triệu đồng, anh Thế Anh cho biết.

Tương tự, ông Phạm Kim Lâm (61 tuổi, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cùng con trai tự tay phá bỏ hơn 1.500 trụ thanh long đang tuổi trưởng thành trong khu vườn rộng hơn 1,5ha của gia đình.

Ông Lâm cho hay hiện giá thanh long lao dốc do Trung Quốc ngừng nhận hàng ở các cửa khẩu biên giới. Nhiều vườn thanh long chín trong vùng không có người đến mua hoặc mua với giá “rẻ mạt” từ 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí có lúc không ai mua. Mỗi lứa thanh long tốn khoảng vài chục triệu đồng chi phí đầu tư (tiền điện chong đèn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng) và công chăm sóc. Do đó, chủ vườn càng làm càng lỗ.

Ông Trần Phi Dũng – người nhận nhổ bỏ các trụ thanh long ở Bình Thuận cho biết: “Khoảng 20 ngày trở lại đây, rất nhiều vườn ở khu vực Hàm Thạnh – Hàm Cần thuê xe nhà tôi đi nhổ trụ”, cũng theo báo Vnexpress.

pha bo vuon thanh long
Một vườn thanh long ở Bình Thuận bị phá bỏ do giá thanh long rớt chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Video đăng ngày 22/2/2022 (Ảnh chụp màn hình: dẫn qua Bác sĩ cây trồng/Youtube)

Ở các địa phương khác, tình cảnh của người dân cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Văn Miên (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu) – một chủ vườn có 2ha thanh long ruột trắng và ruột đỏ cho biết giá thanh long ruột trắng phải trên 10.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá trên 15.000 đồng/kg người trồng mới có lãi. “Hiện giờ theo tôi biết thì 10 người trồng lỗ hết cả mười, không ai có lãi”, ông Miên nói, báo Người Lao Động dẫn lời.

Tại Long An, anh Hồ Quốc Hận (chủ vườn thanh long) cho biết mức giá hiện nay nông dân không có lời, nếu muốn huề vốn giá bán thanh long phải được trên 12.000 đồng/kg. Cuối tháng 2/2022, vườn thanh long của anh Hận khô héo dần vì không được chăm sóc. Anh Hận nói: “Tiếc thì có tiếc chứ giá này đâu có ăn đâu, làm mấy năm nay toàn thua lỗ”, theo báo Thanh Niên.

Ngày 16/3 vừa qua, trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nguyên nhân của việc ùn tắc cửa khẩu phía Bắc là do sự khác nhau giữa chính sách phòng dịch của hai nước, Việt Nam là thích ứng với dịch còn phía Trung Quốc là chính sách zero-COVID.

Bên cạnh đó, lý giải tình trạng vì sao nông sản của Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc như trên, tại buổi chất vấn, ông Diên nhận định các mặt hàng nông sản của Việt Nam không đủ chất lượng để xuất khẩu sang những thị trường khó tính hơn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,… Do đó, khi xảy ra ùn tắc cửa khẩu phía Bắc, tình trạng nông sản trong nước rớt giá mạnh là điều khó tránh khỏi.

Nói về giải pháp tháo gỡ việc ùn tắc cửa khẩu phía Bắc, ông Diên cho biết ngoài việc tăng cường ngoại giao, trao đổi với phía chính quyền Trung Quốc, bản thân Việt Nam phải tự nâng cao năng lực sản xuất, thích ứng với điều kiện nhập khẩu của nhiều thị trường khác. Trước mắt, ông Diên khẳng định ùn tắc ở đâu thì thông ở đấy, nếu không thông được thì tự bảo nhau rằng “Tiên trách kỷ, Hậu trách nhân”.

Theo các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản, hiện nay việc chuyển xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển gặp nhiều khó khăn do chi phí vận tải biển tăng cao, thiếu container rỗng. Mặt khác, nông sản tươi có thời hạn bảo quản ngắn, việc tìm thị trường và đối tác gấp trong bối cảnh này là điều khó thực hiện.

Quang Minh