Cho rằng TKV khó thực hiện dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao dự án cho liên danh Geleximco – HUI thực hiện, vốn dự kiến chủ yếu từ Trung Quốc.

Trong văn bản báo cáo phương án hợp tác đầu tư một số dự án nhà máy nhiệt điện vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng giao liên danh đầu tư Tập đoàn Geleximco – Công ty TNHH Hong Kong United (HUI) thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An), thay Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV).

nha may nhiet dien
Bản đồ Quy hoạch Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An). (Hình ảnh: truyenhinhnghean.vn)

Lo dự án bị chậm tiến độ

Bộ Công thương đánh giá năng lực của TKV không đáp ứng nhu cầu vốn triển khai dự án đúng tiến độ. Theo Bộ Công thương, tính đến ngày 30/9/2017, tổng nợ vay hợp nhất của TKV khoảng 78.000 tỷ đồng, với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,5 lần.

Nếu đầu tư vốn vào dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1, TKV sẽ phải huy động thêm khoản nợ vay 39.000 tỷ đồng. Ba năm nữa, vào năm 2021, tổng nợ vay của TKV sẽ lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu sẽ vượt quá quy định cho phép.

Đối với việc triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Nghệ An), sau hơn 2 tháng đốc thúc, hiện TKV vẫn chưa báo cáo Bộ Công Thương kết quả làm việc cuối cùng với 2 nhà đầu tư là Kospo và Samtan (Hàn Quốc) về thu xếp vốn vay cho dự án không có bảo lãnh Chính phủ, dù đã đạt được thoả thuận ban đầu tỷ lệ vốn góp đầu tư TKV 36%, Kospo 34% và Samtan 30%.

Theo Bộ Công thương, trong trường hợp TKV, Kospo, Samtan không thống nhất việc thu xếp vốn, hợp đồng mua bán điện dự án theo hướng không có bảo lãnh Chính phủ, sẽ dẫn đến việc hợp tác giữa các bên không thành công, khiến tiến độ thực hiện dự án bị chậm lại. Trước tình trạng thu xếp vốn vay cho dự án kéo dài, Bộ Công Thương lo ngại không rõ khi nào các bên đạt được thoả thuận cuối cùng, sẽ làm chậm tiến độ triển khai, vận hành dự án vào 2022 – 2023 theo quy hoạch Sơ đồ điện VII điều chỉnh. Ngoài ra, hiệu quả đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, không lường hết các yếu tố phát sinh như trượt giá, trượt tỷ giá…

Bộ Công thương cho rằng giao dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 cho liên danh Geleximco – HUI sẽ giúp tập đoàn giảm áp lực thu xếp vốn và tập trung thực hiện các dự án khác.

Bộ Công thương cho biết thay thế TKV tại dự án này, liên danh Geleximco và đối tác Trung Quốc có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy định, đồng thời xem xét thanh toán các chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mà TKV đã thực hiện.

Lo ngại khi 80% vốn chủ yếu vay từ Trung Quốc

Đánh giá năng lực liên danh cho thấy phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay. Dự kiến lãi suất vay từ nguồn tín dụng thương mại là 10,86%/năm và quốc tế là 11,77%/năm.

80% tổng mức đầu tư dự án sẽ được huy động từ tổ hợp các ngân hàng do Ngân hàng Phát triển nhà nước Trung Quốc đứng đầu, gồm: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chi nhánh Hồ Nam, An Huy và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc.

Nếu giao cho liên danh này dự án Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ chuyển thành vốn tư nhân 100%. Khi dự án không dùng vốn nhà nước khó có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nội địa hoá thiết bị nhà máy nhiệt điện đốt than. Chưa kể sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư Trung Quốc, sử dụng thiết bị của Trung Quốc vào dự án…”, Bộ Công thương lo ngại.

Về phía liên danh Geleximco – HUI, dù năng lực tài chính triển khai dự án với 80% là vốn vay, liên danh này cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án: 3 tháng kể từ ngày thành lập công ty liên doanh sẽ ký kết thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng; 2 tháng tiếp theo ký hợp đồng tư vấn quản lý, giám sát kỹ thuật…

Lần lượt tháng 10/2017 và tháng 3/2018, liên danh Geleximco – HUI đã 2 lần gửi văn bản lên Thủ tướng xin được làm nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Quảng Trạch 2 theo hình thức PPP (đối tác công – tư), vốn đang được giao cho các tập đoàn năng lượng trong nước là TKV và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Với dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 hiện do TKV làm chủ đầu tư, Geleximco đề xuất liên danh Geleximco –HUI sở hữu 75% cổ phần, 25% còn lại thuộc TKV. Còn với dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 do EVN làm chủ đầu tư, đơn vị này đề xuất nắm hẳn 100% cổ phần.

Xin đầu tư vào các dự án nhiệt điện có giá trị, tổng vốn đầu tư hàng tỷ đôla, song phương án tài chính mà Geleximco và liên danh đưa ra lại phần lớn dựa vào vốn vay từ Trung Quốc, với tỷ lệ vốn đối ứng 20% vốn chủ sở hữu và 80% vốn vay.

Trong văn bản góp ý gửi Bộ Công Thương trước đây, cả TKV và EVN đều tỏ ý không đồng tình giao các dự án này cho Geleximco – HUI. Với dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Lập 1, TKV cho rằng nội dung đề xuất hợp tác của liên danh Geleximco – HUI “không phù hợp với chủ trương kêu gọi đầu tư dự án này của Hội đồng thành viên TKV, theo đó TKV nắm giữ cổ phần chính”. Còn EVN cho rằng việc Geleximco đề xuất đầu tư theo hình thức PPP là chưa được quy định đối với công trình điện.

5 nhà máy nhiệt điện do liên danh Geleximco – HUI gửi văn bản tới Thủ tướng xin đầu tư góp vốn trong thời gian qua gồm: dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (1.200 MW), Quỳnh Lập 2 (1.200 MW), Quảng Trạch 1 (1.200 MW), Quảng Trạch 2 (1.200 MW), Hải Phòng 3 (2.400 MW).

Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 có tổng mức đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD, dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2 dự kiến 2,4 tỷ USD, tổng mức đầu tư 2 dự án lên tới khoảng 4,5 tỷ USD. Cả hai dự án đều được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 tính đến 2030 (Quy hoạch điện VII).

Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (công suất lắp đặt 2×600 MW) được giao cho TKV làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 10/2015. Tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, dự kiến đi vào vận hành năm 2020.

Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 thuộc dự án Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch do EVN làm chủ đầu tư (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ vận hành vào năm 2021 (tổ máy 1) và năm 2022 (tổ máy 2). Dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (công suất thiết kế2×600 MW) có tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD, dự kiến vận hành từ năm 2024.

Nguyễn Quân

Xem thêm: