Theo dữ liệu do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố, lạm phát ở Hoa Kỳ đã tăng tốc một lần nữa, lên mức 7,5% hàng năm vào tháng 1/2022, mức cao nhất suốt 40 năm qua, vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích.

shutterstock 189201107
(Nguồn: Xtock/ Shutterstock)

Sự tăng tốc của Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 phản ánh lạm phát từ quan điểm của người tiêu dùng cuối cùng, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp giá cả tăng nhanh hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái và nhanh hơn tốc độ 7,0% của tháng 12/2021.

Trên cơ sở hàng tháng, tốc độ lạm phát CPI toàn phần ổn định ở mức 0,6% trong tháng 1/2022, phù hợp với tốc độ hồi tháng 12/2021 và đưa ra một dấu hiệu mới về lạm phát đang ở mức cao nhất.

Các dự báo đồng thuận dự đoán tỷ lệ CPI hàng năm là 7,3% và chỉ số đo lường hàng tháng là 0,5%.

Rủi ro lạm phát có xu hướng gia tăng

Không chỉ tốc độ lạm phát CPI hàng năm của tháng 1 lên cao nhất kể từ tháng 2/1982, khi lên đến 7,6%, nó còn vượt xa mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang, gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải thắt chặt trạng thái nới lỏng tiền tệ để giảm thiểu việc giá cả tăng cao.

Bà Loretta Mester, chủ tịch của Fed Cleveland và là thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết trong tuyên bố hôm 9/2 cho một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Kinh tế và Tài chính Âu Châu tổ chức: “Chỉ số lạm phát ở Hoa Kỳ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm và tiền lương danh nghĩa đang tăng với tốc độ nhanh hơn chúng ta đã chứng kiến trong nhiều thập kỷ.”

Bà Mester bày tỏ, bà ủng hộ việc tăng lãi suất chủ chốt của FED vào tháng 3, trong khi lưu ý rằng rủi ro lạm phát đang “nghiêng về phía tăng”.

Bà nói: “Mặc dù biến thể Omicron có thể ảnh hưởng đến hoạt động trong thời gian tới, nhưng mức độ lạm phát cao và sự thắt chặt của thị trường lao động đã đủ để tạo ra lý do thuyết phục cho việc bắt đầu điều chỉnh lại lập trường của chính sách tiền tệ.”

Tiền lương đã tăng vọt ở Hoa Kỳ, làm tăng thêm lo ngại về một vòng xoáy tiền lương có thể xảy ra, đáng chú ý là chính loại lạm phát này đã làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ trong những năm 1970. Thu nhập trung bình hàng giờ của tất cả nhân viên khu vực tư nhân tăng 5,7% hàng năm trong tháng 1, mức cao nhất được ghi nhận, ngoại trừ mức tăng mạnh trong duy nhất 1 tháng hồi tháng 4/2020. Đó là khi hàng triệu người lao động được trả lương tương đối thấp bị mất việc làm trong khi những người được trả lương tương đối cao vẫn có việc làm, với sự chuyển dịch cơ cấu trong ngành nghề các công việc dẫn đến việc tăng lương trung bình.

Trong bài phát biểu của mình, bà Mester đã đề cập đến rủi ro của vòng xoáy giá cả tiền lương, nhận định rằng nếu kỳ vọng lạm phát dài hạn trở nên mất kiểm soát, thì áp lực giá cả có thể còn tăng cao hơn nữa.

Bà tiếp tục: “Việc để lạm phát duy trì ở mức cao có thể khiến các công ty, hộ gia đình và những người tham gia thị trường tài chính kỳ vọng lạm phát cao hơn trong dài hạn. Kỳ vọng lạm phát dài hạn tăng lên sau đó có thể ảnh hưởng đến các động lực thiết lập tiền lương và giá cả, dẫn đến lạm phát thậm chí còn dai dẳng hơn.”

Trong khi đồng thuận với các nhà hoạch định chính sách khác của FED, bà Mester vẫn dự đoán sẽ có sự cải thiện trong một số chỉ số lạm phát vào cuối năm, khi các hạn chế từ phía cung giảm bớt và nhu cầu hạ nhiệt. Bà nhìn nhận, có sự không chắc chắn xung quanh thời điểm và mức độ của các dự đoán này.

Các thị trường mong đợi một đợt tăng lãi suất của FED vào tháng 3, khi công cụ theo dõi Fed Watch của CME cho thấy 75% cơ hội rằng Ngân hàng Trung ương sẽ công bố mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 của FOMC và 25% cơ hội cho một mức lớn hơn, tăng 50 điểm cơ bản.

Mặc dù bà Mester cho rằng, dữ liệu kinh tế không phải là một “lý do thuyết phục” cho việc tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3, nhưng bà nhấn mạnh, đã đến lúc FED phải thu hồi các chính sách tiền tệ phù hợp hơn. 

Áp lực lạm phát cơ bản gia tăng

Trong khi đó, cái gọi là lạm phát CPI lõi, loại bỏ các danh mục dễ biến động của thực phẩm và năng lượng và được coi là thước đo tốt hơn về áp lực lạm phát cơ bản so với con số lạm phát CPI toàn phần, cũng tăng tốc trong tháng 1.

Theo dữ liệu của BLS, lạm phát cơ bản đã tăng lên mức 6% hàng năm vào tháng trước, sau tốc độ 5,5% của tháng 12/2021. Lạm phát cơ bản hàng tháng đạt 0,6%, tăng lên so với tốc độ 0,5% của tháng 12/2021. Dự báo đồng thuận đã đưa ra mức tăng 0,5% trong số liệu hàng tháng và tốc độ lạm phát cơ bản hàng năm là 5,9%.

Nhà Phân tích Tài chính Greg McBride, Giám đốc tài chính của Bankrate, trao đổi với The Epoch Times qua email: “Các sức ép về giá đối với những hộ gia đình vẫn chưa kết thúc.”

Ông nói thêm: “Không chỉ giá nhà đã tăng 20% ​​trong năm qua, mà hiện nay nhiều giá thuê cũng vậy, tăng 0,5% chỉ trong tháng qua. Không có gì bóp nghẹt ngân sách hộ gia đình hơn là mức tăng nhảy vọt mà chúng ta hiện đang chứng kiến về chi phí cư trú và nhà ở.”

Tổng thống Joe Biden, người đã nhiều lần nói rằng ông tin rằng lạm phát sẽ giảm khi tắc nghẽn nguồn cung và các mối bất ổn khác liên quan đến đại dịch giảm bớt, đã lặp lại quan điểm đó trong một tuyên bố trước dữ liệu công bố hôm 10/2 về giá cả leo thang.

“Mặc dù báo cáo ngày hôm nay cho thấy mức lạm phát tăng lên, nhưng các nhà dự báo vẫn tiếp tục dự đoán lạm phát sẽ giảm đáng kể vào cuối năm 2022,” ông Biden cho hay.

Ông cũng khẳng định, chính phủ của ông sẽ làm tất cả những gì có thể để “giành chiến thắng trong cuộc chiến” chống lại giá cả tăng vọt, lựa chọn các biện pháp như đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong nước và thúc đẩy cạnh tranh thị trường nhiều hơn.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: