Thay đổi công việc không phải là một điều xấu, tất cả mọi người đều có nhu cầu phát triển bản thân. Nhưng một nhân viên có thực lực ra đi chắc hẳn sẽ khiến lãnh đạo công ty cảm thấy tiếc nuối. Vậy bạn có thể làm gì để giữ chân người tài ở lại tiếp tục cống hiến? Đây là 3 lời khuyên bổ ích có thể giúp bạn giải bài toán khó.

  1. Đừng ngay lập tức buông tay họ

lãnh dạo người lãnh dạo nhân viên nghỉ việc nhân viên công ty 1181562 scaled
Một lãnh đạo thực thụ sẽ nghĩ đến mục tiêu lớn hơn, việc lắng nghe một nhân viên giỏi khi họ muốn xin nghỉ không hẳn là hạ mình và mất thể diện. (Ảnh: Pexels.com)

Có một luồng quan điểm cho rằng một khi ai đó đã quyết tâm nghỉ việc thì phía công ty không có cách nào để giữ họ lại cả. Bạn có thể đồng tình hoặc phản đối quan điểm trên, nhưng có một thực tế mà tất cả chúng ta đều nên nhìn nhận: bỏ việc không bao giờ là quyết định dễ dàng. Trong thời gian cân nhắc về chuyện nghỉ việc, nhân viên đó chắc hẳn sẽ thấy vô cùng áp lực, căng thẳng. Người đi làm thích cảm giác an toàn, nếu bạn đã tạo cho họ được vùng an toàn đó, hẳn là họ sẽ thấy rất khó khăn khi phải từ bỏ.

Chính vì thế bạn đừng vội buông tay họ ngay lập tức. Bạn hãy nói chuyện, tìm hiểu điều khiến họ không hài lòng là gì. Nếu công ty có thể thay đổi, đáp ứng nhu cầu của họ thì họ sẽ không muốn ra đi nữa. Không có công ty nào là hoàn hảo, ý kiến góp ý của nhân viên sẽ giúp công ty cải thiện và phát triển theo hướng tốt hơn, bạn đừng ngại lắng nghe và tìm giải pháp cho những vấn đề đó. 

Khi nói chuyện với nhân viên, bạn sẽ nhận ra đôi khi họ nghỉ việc vì những lý do rất kỳ lạ và thực ra rất dễ giải quyết. Có người xin nghỉ vì cảm thấy mệt mỏi, cần có thời gian nghỉ ngơi. Có người thì không ưa cách nói chuyện của cấp trên nên muốn nghỉ việc. Cũng có người thấy bản thân được trả lương quá cao so với chất lượng công việc nên áy náy xin nghỉ. Bạn không thể biết nhân viên của mình đang nghĩ gì, vì vậy hãy chuẩn bị tinh thần bình tĩnh để tiếp nhận mọi câu trả lời.

Với một nhân sự có năng lực, bạn đừng ngại bỏ ra thời gian và tâm sức để hiểu họ. Tiền lương rất quan trọng, nhưng người có thực lực quan tâm đến lộ trình thăng tiến hơn. Vì vậy, bạn hãy vạch ra kế hoạch phát triển dài hạn để họ có thể yên tâm gửi gắm tương lai ở công ty của bạn.

Là một quản lý, một nhà lãnh đạo, có thể bạn sẽ thấy không vui khi phải hạ mình vì một nhân viên. Hãy nghĩ đến bức tranh toàn cảnh công ty trước, một nhân viên có năng lực mang lại lợi ích cho công ty thế nào, nếu họ ra đi thì người ở lại, người sắp đến sẽ bù đắp được đến đâu, đã đến lúc bạn cần cư xử khéo léo, linh hoạt để đạt được mục tiêu lớn hơn.

  1. Giao tiếp là chìa khóa quan trọng

nhân viên lãnh dạo 1367269 scaled
Trò chuyện, thấu hiểu cảm xúc của nhân viên có thể giúp công ty tiết kiệm nhiều tiền tuyển dụng, đào tạo một người mới. (Ảnh: Pexels.com)

Tất cả nhân viên đi làm đều thích cảm giác được công nhận, được đánh giá cao, được thấu hiểu. Vậy nên có rất nhiều trường hợp nhân viên bỏ việc vì lý do không cảm thấy được cấp trên, công ty đánh giá tích cực về công việc. Ở các công ty thành công như Adobe và Intel, các giám sát viên được khuyến khích dành ít nhất một giờ mỗi tháng để trò chuyện với từng nhân viên cấp dưới. Họ cùng nhau thảo luận về các chủ đề ngẫu nhiên, tốt nhất là không liên quan đến công việc. Bằng cách này, họ có thể cảm nhận rõ hơn tâm trạng và hiểu được hoàn cảnh của nhân viên.

Nếu cấp dưới cảm thấy vui lòng và cảm kích, họ sẽ không đi đâu cả (ngay cả khi mức lương ở công ty bạn không phải là tốt nhất). Hỗ trợ tinh thần cho nhân viên là một nhiệm vụ rất quan trọng. Nếu bạn ngại dành thời gian để thấu hiểu nhân viên thì sau này bạn còn phải chi nhiều tiền hơn để tuyển dụng, đào tạo. 

  1. Sẵn sàng chào đón họ trở lại

thuyết trình nhân viên lãnh dạo thuyết trình 3184298 scaled
Mở rộng tấm lòng, đón nhân viên cũ trở lại khi công ty thật sự cần tài năng của họ. (Ảnh: Pexels.com)

Sau tất cả, mọi nỗ lực của bạn đều không thành công. Nhân tài đó vẫn ra đi. Dù vậy, bạn hãy cố gắng để họ ra đi trong vui vẻ và hãy nhớ công việc kinh doanh của bạn vẫn phải tiếp tục, đây không phải là dấu chấm hết.

Thế giới này rất nhỏ bé, và thế giới của những lao động chất lượng trong lĩnh vực của bạn có thể thậm chí còn bé hơn. Vào thời điểm họ khẳng định sẽ nghỉ việc, bạn hãy tiếp nhận thông tin từ họ càng nhiều càng tốt. Tại sao họ thích làm việc với bạn? Họ thích gì, muốn thay đổi điều gì? Họ muốn ai thay thế họ và tại sao? Một khi đã quyết định ra đi, họ không còn gì luyến tiếc cả nên sẽ nói tất cả. Họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và nói với bạn một cách trung thực về tình hình tại nơi làm việc. Đừng bỏ những qua thông tin giá trị này.

Giờ bạn cần chuyển sự chú ý sang việc bổ nhiệm cho người mới. Khối lượng và áp lực công việc sẽ tăng lên cho tất cả mọi người trong một khoảng thời gian nhất định, hãy động viên và nhắc họ chuẩn bị tinh thần. 

Nhiều người cho rằng các nhân viên đã từng bỏ công ty sẽ rất khó có đường quay lại. Họ cảm thấy xấu hổ còn công ty thì coi họ như “kẻ phản bội”. Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Steve Jobs đã từng bị sa thải khỏi công ty của chính mình vì một vụ bê bối nhưng đã quay trở lại chỉ vài năm sau đó. Và bây giờ chúng ta không thể nhắc đến Apple mà không nhắc đến tên của ông. 

Bạn đừng quên thể hiện sự chào mừng vô tư khi nhân tài cũ muốn quay trở lại. Có rất nhiều người đến công ty mới to hơn, lương cao hơn, vị trí cao hơn nhưng cuối cùng vẫn quay về công ty cũ vì nhận được lời ngỏ quay lại vô cùng chân thành. 

Không dễ để bạn tìm được một nhân viên mới hoàn toàn phù hợp với doanh nghiệp của mình. Vì thế, bạn cần cố hết sức để giữ một người có thực lực, có đóng góp to lớn cho công ty. Hãy mang đến cho nhân viên môi trường làm việc thoải mái, hạnh phúc, có cơ hội thăng tiến, thấu hiểu và hòa đồng để họ muốn gắn bó mãi mãi. 

Minh Minh (Theo entrepreneur)