Ngày 6/12, khi dư chấn về việc Didi Chuxing rút niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ chưa suy giảm, thị trường chứng khoán Hồng Kông đóng cửa giảm mạnh do uy lực còn lại của sóng gió giám sát quản lý. Chỉ số Doanh nghiệp Hang Seng Trung Quốc của Hồng Kông đã chạm mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016. Cổ phiếu lĩnh vực công nghệ giảm mạnh, giá cổ phiếu của ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Alibaba tại Hồng Kông giảm một nửa. Cổ phiếu của China Evergrande cũng giảm mạnh. Sự bi quan, bán tháo còn lan rộng sang các lĩnh vực liên quan đến sinh kế của người dân, chẳng hạn như y học và giáo dục, vốn cũng chịu áp lực quản lý giám sát trước đó.

shutterstock 351140789
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (HSI) đóng cửa giảm 1,8%, tiệm cận mức thấp nhất trong 14 tháng được thiết lập vào tuần trước. Chỉ số Doanh nghiệp Hang Seng Trung Quốc giảm 2,1%, mức thấp nhất trong 5,5 năm qua.

Cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ một lần nữa bắt đầu bị ảnh hưởng, hậu quả mạnh mẽ của việc Didi Chuxing rút niêm yết tại Mỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý nhà đầu tư. Thị trường đang cố gắng tiêu hóa những bất ổn tái xuất hiện do quy định giám sát quản lý và các chính sách. Các công ty niêm yết ở 2 thị trường Hồng Kông và Mỹ đặc biệt dễ bị tổn thương.

Chỉ số Công nghệ Hang Seng đóng cửa giảm 3,3%, thiết lập mức thấp mới kể từ khi ra mắt vào tháng 7/2020. Chỉ số này đã giảm hơn 30% trong năm nay. ‘Gã khổng lồ’ thương mại điện tử Alibaba dẫn đầu đà giảm và đóng cửa giảm 5,6% sau khi có thời điểm tăng 8,3%, mức giảm chạm mốc thấp mới kể từ khi niêm yết tại Hồng Kông. Cổ phiếu của công ty này đã bị giảm một nửa trong năm nay, giảm 64% so với mức cao kỷ lục 309,4 đô la Hồng Kông.

Tencent Holdings, Baidu, Bilibili, NetEase, Meituan và JD.com giảm ở mức từ 3,2 – 5,7%. Ngoài nhóm cổ phiếu công nghệ, các hãng xe mới cũng bị ảnh hưởng nặng nề, Li Auto giảm 15,9%, XPeng giảm 10,3%.

Việc Didi Chuxing tuyên bố hủy niêm yết tại Mỹ đã gây ra những phỏng đoán, điều này có lẽ là sự khởi đầu cho làn sóng hủy niêm yết cổ phiếu khái niệm Trung Quốc (cổ phiếu của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại nước ngoài). Trong tương lai, cổ phiếu khái niệm Trung Quốc của các công ty nắm giữ lượng lớn dữ liệu của người dân cũng sẽ có rủi ro hủy niêm yết; đồng thời, động thái Didi hủy niêm yết cũng khiến thị trường tin rằng sự giám sát quản lý của Trung Quốc đối với cổ phiếu công nghệ vẫn đang tiếp tục, và việc quay trở lại Trung Quốc của các công ty Internet niêm yết tại Mỹ là xu hướng chung.

Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) tuần trước cho biết các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ phải tiết lộ liệu họ có thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của các tổ chức chính phủ và cung cấp bằng chứng kiểm tra kiểm toán hay không. Quy định này thúc đẩy một tiến trình có thể dẫn đến việc hơn 200 công ty ‘bị đá’ khỏi các sàn giao dịch của Mỹ và có thể làm giảm sức hấp dẫn của một số công ty Trung Quốc đối với các nhà đầu tư.

Tân Hà, Vision Times

Xem thêm: