Đến ngày 27/8, Lạng Sơn chỉ còn 4/12 cửa khẩu duy trì hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, gồm các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma và Đồng Đăng. Tại Cao Bằng, lưu lượng phương tiện vận tải được thông quan chỉ bằng 1/3 so với trước (khoảng 10 xe/ngày).

cua khau coc nam 1
Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn). (Ảnh: baolangson.vn)

Theo báo chí nhà nước, hôm 27/8, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cho biết chiều 26/8 đã nhận được thư công tác của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) thông báo tạm dừng các hoạt động thông quan, xuất khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài từ 18h ngày 26/8.

Đối diện cửa khẩu Lũng Vài là cửa khẩu Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam).

Trong thông báo gửi cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, phía tỉnh Quảng Tây cho rằng 10 ngày gần đây, cửa khẩu Cốc Nam (Việt Nam) xuất khẩu sang Trung Quốc được 243 xe hàng, ngày bình quân không đến 25 xe, lượng hàng tương đối ít. Hơn nữa, việc phòng dịch COVID-19 của hai nước Trung Quốc và Việt Nam ngày càng được siết chặt.

Theo đó, tỉnh Quảng Tây tạm thời dừng thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Lũng Vài, thời gian mở cửa trở lại sẽ căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch.

Cũng theo ông Hoàng Khánh Duy, với thông báo dừng cửa khẩu Lũng Vài, đến ngày 27/8, Lạng Sơn chỉ còn 4/12 cửa khẩu duy trì hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, gồm các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma và Đồng Đăng.

Trước đó, các ngày 16 – 17/8, Trung Quốc bất ngờ dừng thông quan tại cửa khẩu Pò Chài mà không có thông báo chính thức.

Đến ngày 18/8, cửa khẩu này đã hoạt động trở lại nhưng phía Trung Quốc áp dụng thêm nhiều quy định mới để phòng dịch khiến các doanh nghiệp bị tăng chi phí, rủi ro.

Tại Cao Bằng, tỉnh hiện có 4 cửa khẩu thông thương hàng hóa với nước Trung Quốc gồm: Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Sóc Giang và cửa khẩu Pò Peo. Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tại Cao Bằng đạt khoảng 267 triệu USD, chủ yếu là hàng thủy sản, rau, củ, quả, hạt điều, cà phê.

Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp tăng cường kiểm soát, phòng dịch bệnh nên việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu tại Cao Bằng cũng giảm sút nghiêm trọng, lưu lượng phương tiện vận tải được thông quan chỉ bằng 1/3 so với trước (khoảng 10 xe/ngày).

“Với đối tác Trung Quốc, trước họ cần thì họ nhập bất kể thứ gì qua cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Nhưng thời gian gần đây, đặc biệt từ năm 2021 họ kiểm soát rất chặt việc xuất qua tiểu ngạch. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu phải nắm được các thông tin cụ thể, đặc biệt là tăng cường giải pháp xuất khẩu qua đường chính ngạch”, ông Lý Quốc Khánh, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng nói.

Hôm 23/8, trong thư gửi ông Vương Văn Đào (Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết từ giữa tháng 7/2021, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu biên giới, đến trung tuần tháng 8, cơ bản nhiều trái cây, nông sản Việt không thể xuất khẩu qua Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới giáp tỉnh Vân Nam.

Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu rau củ, nông sản từ Vân Nam (Trung Quốc) qua các địa phương biên giới Việt Nam vẫn đang diễn ra thuận lợi với trung bình khoảng 400 xe hàng mỗi ngày.

“Tôi rất lấy làm tiếc khi nhận được thông tin Sở Thương mại Vân Nam thông báo tạm dừng nhập khẩu thanh long Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới từ giữa tháng 7/2021 do lo ngại dịch COVID-19 tại Việt Nam”, ông Diên nhấn mạnh.

Ông Diên đề nghị Bộ trưởng Vương Văn Đào yêu cầu tỉnh Vân Nam nhanh chóng dỡ bỏ biện pháp hạn chế nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam.

Quý Bình

Xem thêm:

Bộ GTVT: Mọi hàng hóa đều là thiết yếu, yêu cầu không làm khó DN bằng giấy phép con