Vào 14h hôm nay (29/10), Toà án Kinh tế TP.HCM sẽ tuyên án vụ án sơ thẩm Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trước giờ tuyên án, lập luận của mỗi bên như thế nào?

Ngày 17/10, TAND TP.HCM mở lại phiên toà xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (gọi tắt là Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (gọi tắt là GrabTaxi). Phiên toà đã kéo dài trong 5 ngày (17 – 23/10) và dự kiến sẽ được tuyên án vào 14h hôm nay (29/10).

Vinasun kien Grab
Bên trong phiên tòa Vinasun kiện Grab ngày 17/10. (Ảnh: Gia Minh)

Thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc về ai?

Trong khi Vinasun khẳng định việc TAND TP.HCM thụ lý, xét xử vụ án là đúng thẩm quyền do đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng, thì Grab vẫn một mực cho rằng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới là cơ quan có trách nhiệm phân xử.

Grab có sai phạm gì?

Grab khẳng định không có sai phạm do đây là đề án thí điểm, những sai phạm nhỏ không đáng kể, không gây thiệt hại cho Vinasun. Đặc biệt, Grab khẳng định là công ty công nghệ cung cấp phần mềm kết nối, hỗ trợ quản lý vận tải, tuân thủ đúng Đề án thí điểm số 24 của Bộ GTVT. Grab không can thiệp vào giá cước vận tải, không điều xe và đây là công đoạn do các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải thực hiện.

Vinasun cho rằng nếu Grab tuân thủ đúng đề án thí điểm số 24 thì sẽ không gây thiệt hại cho Vinasun cũng như kéo theo các hệ luỵ kinh tế xã hội khác.

Cụ thể, ngay từ đầu, Grab đã nhắm tới thị trường vận tải taxi, chứ không phải là thị trường vận tải hợp đồng theo quy định của đề án 24.

Theo Đề án 24 của Bộ GTVT cấp phép cho Grab tham gia thí điểm, Grab chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm kết nối, hỗ trợ quản lý vận tải cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải xe ô tô hợp đồng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Grab đã vô hiệu hoá các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tảiđể làm việc trực tiếp với các tài xế, chủ xe, điều hành một quy trình kinh doanh vận tải taxi hoàn chỉnh.

Cụ thể, Grab bỏ tiền chiêu mộ người đầu tư xe chạy Grab, điều xe, ăn chia cước với các tài xế, thưởng phạt tài xế. Giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa tài khoản Grab và tài khoản tài xế.

Dòng tiền không đi qua hợp tác xã, nhưng hoá đơn lại ghi về hợp tác xã. Theo kết luận thanh tra, hầu hết các hợp tác xã đều bị treo khoản thuế phải nộp cho doanh thu vận tải từ Grab, Uber. Điều này làm sai lệch công tác hạch toán, kế toán, tạo một kẽ hở trốn thuế lớn.

Phần mềm Grab cài đặt cho lái xe và khách hàng không phải là phần mềm kết nối xe hợp đồng mà là phần mềm đặt xe taxi (giống các hãng taxi đang áp dụng). Trên phần mềm Grab không có bất kể hợp đồng vận tải điện tử nào theo quy định. Đơn vị kinh doanh vận tải cũng không can thiệp được vào bất cứ công đoạn nào của quá trình giao kết giao dịch vận tải của phần mềm Grab.

Mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm của Grab và thiệt hại của Vinasun

Để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nguyên đơn phải chứng minh được vi phạm của bị đơn, chứng minh được thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại của nguyên đơn.

Grab cho rằng suy giảm kinh doanh của Vinasun bắt nguồn từ nội tại doanh nghiệp này đã không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chứ không liên quan tới vi phạm gì của Grab. Đồng thời, Vinasun cũng không chứng minh được quan hệ nhân quả giữa vi phạm của Grab và thiệt hại của Vinasun.

Vinasun khẳng định cung cấp đầy đủ bằng chứng chứng minh vi phạm, thiệt hại và dẫn chứng được mối quan hệ nhân quả.

Bên cạnh việc gia nhập thị trường vận tải taxi trái phép, sử dụng các xe không biển hiệu kinh doanh, Grab sử dụng nguồn lực tài chính vay nợ nước ngoài để trợ giá, duy trì mức cước rẻ, khuyến mại lôi kéo khách hàng của Vinasun. Nếu không có hình thức khuyến mại, trợ giá trái quy định pháp luật, khách hàng của Vinasun đã không ồ ạt chuyển sang sử dụng Grab. Cụ thể, trong giờ cao điểm, khi Grab tăng giá thì khách hàng lại quay sang sử dụng dịch vụ Vinasun.

Do vậy, hãng taxi truyền thống cho rằng chính hành vi xâm nhập thị trường taxi trái phép của Grab là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh của Vinasun giảm sút, dẫn đến thiệt hại cho Vinasun.

Cụ thể, trong thời gian nghiên cứu (tháng 1/2016 – 6/2017), thị trường vận tải nói chung, vận tải taxi nói riêng tăng trưởng tốt (vì dân số tăng, kinh tế phát triển, không có biến động xã hội). Tại các khu vực Grab, Uber chưa triển khai dịch vụ, doanh thu và lợi nhuận của Vinasun tăng trưởng đều. Trong khi tại những nơi có Grab, Uber hoạt động thì bị giảm sút nghiêm trọng.

Theo khảo sát của Công ty Thẩm định Cửu Long, có tới 99% khách hàng không sử dụng dịch vụ Vinasun nữa là chuyển sang sử dụng dịch vụ Grab, Uber. Báo cáo này cũng cho thấy trong khi doanh thu, số cuốc xe của Vinasun suy giảm thì số cuốc xe của Grab tăng lên tương ứng, đồng nghĩa với việc doanh thu, lợi nhuận của Vinasun chuyển sang Grab, Uber.

Tính toán thiệt hại

Grab shutterstock 1207332697
(Ảnh: Shutterstock)

Tại phiên toà, Chủ toạ đã đọc nội dung chứng thư giám định thiệt hại do Công ty Giám định Cửu Long thực hiện theo quyết định trưng cầu của Toà án. Theo kết luận giám định, trong giai đoạn 1/2016 – 6/2017, Grab đã gây thiệt hại cho Vinasun là 85,9 tỷ đồng. Hai cấu thành chính của thiệt hại là thiệt hại do xe nằm bãi không kinh doanh và thiệt hại do giảm giá trị vốn hoá thị trường.

Grab cho rằng báo cáo giám định của Công ty Cửu Long có nhiều sai sót, không thể làm cơ sở để đòi bồi thường thiệt hại. Cụ thể, số lượng xe nằm bãi của Vinasun có ngày bằng 0, tỷ lệ phân bổ thiệt hại do Grab được cố định tại ngày 30/6/2017 trong khi tỷ lệ này luôn giao động trong suốt quá trình từ tháng 1/2016 – 6/2017, việc xác định giảm giá trị vốn hoá thị trường để tính thiệt hại không hợp lý…

Vinasun thì cho rằng đơn vị giám định đã không liệt kê đầy đủ thiệt hại của Vinasun, bao gồm thiệt hại do giảm sút lợi nhuận mà đơn vị này căn cứ vào để kiện đòi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, để kết thúc nhanh vụ án, doanh nghiệp này tôn trọng báo cáo giám định và giữ nguyên yêu cầu đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng.

Vinasun cũng phản bác các lập luận của Grab về kết quả giám định.

Lý giải tại sao số lượng xe nằm bãi trong báo cáo thẩm định có lúc bằng 0″, Vinasun cho biết trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này đã cố gắng giảm thiểu thiệt hại do Grab, Uber gây ra bằng cách tối ưu hoá việc sử dụng xe của mình như điều chuyển ra tỉnh ngoài, hay thanh lý bớt xe dư thừa. Do vậy, trên báo cáo thẩm định của Cửu Long mới xuất hiện những ngày số lượng xe nằm bãi bằng 0.

Về tỷ lệ phân bổ thiệt hại 54,2% cho Grab, Vinasun cho rằng tỷ lệ trên thực tế sẽ lớn hơn nhiều. Do Uber chỉ mới được cấp phép chính thức vào tháng 4/2017, trước đó Grab là đơn vị được cấp phép duy nhất kết nối với xe hợp đồng.

Công ty Giám định Cửu Long dựa trên số lượng xe Grab báo cáo với Sở GTVT chưa phản ánh đúng thực tế. Ví dụ, tại thời điểm tháng 12/2017, Grab báo cáo chỉ ký hợp đồng với 117 hợp tác xã, trong khi theo Tổng cục Thuế, vào thời điểm tháng 7/2018, Grab đã ký kết với 565 hợp tác xã vận tải tại TP.HCM, cao hơn gấp 5 lần số Grab báo cáo với Sở GTVT.

Về việc “lấy giá trị sổ sách của doanh nghiệp làm căn cứ xác định thiệt hại do giảm giá trị vốn hoá thị trường”, Vinasun cho rằng Công ty Giám định Cửu Long đã ưu ái Grab.

Trong thời kỳ nghiên cứu (tháng 1/2016 – 6/2017), ngược với xu thế tăng điểm của toàn thị trường chung, cổ phiếu VNS của Vinasun liên tục giảm do các thông tin bất lợi từ Grab, Uber. Cụ thể:

–   Giá cổ phiếu VNS giao dịch tại thời điểm 31/12/2015 là 30.400 đồng/cp

–   Giá cổ phiếu VNS giao dịch tại thời điểm 30/6/2017 là 21.900 đồng/cp

Như vậy, giá trị vốn hoá thị trường của Vinasun đã giảm:

(30.400 – 21.900) * 67.859.192 cp = 576.803.132.000 đồng

Tuy nhiên, báo cáo đã không lấy chênh lệch giá cổ phiếu trên thị trường, mà chỉ lấy số chênh lệch giữa giá trị số sách của VNS (được cho là giá trị thực của cổ phiếu Vinasun) và giá trị thị trường của VNS để xem như thiệt hại do Grab, Uber gây ra cho Vinasun. Khoản thiệt hại tính ra là 149.697.377.552 đồng.

Vinasun cho rằng việc giảm giá trị vốn hoá trên thị trường, trước hết là thiệt hại của doanh nghiệp, sau mới đến thiệt hại của cổ đông. Với sự lao dốc liên tục trong kết quả kinh doanh, trị giá vốn hoá thị trường sụt giảm, đương nhiên trị giá doanh nghiệp sẽ giảm. Dù không bán doanh nghiệp thì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng khó khăn hơn trong quan hệ với đối tác, cổ đông, các tổ chức tín dụng.

Vụ án thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận trong và ngoài nước. Bởi lẽ đây là vụ án đòi bồi thường thiệt hại gián tiếp đầu tiên được xét xử ở Việt Nam và mô hình Grab, Uber gặp phải vấn đề pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà trên nhiều quốc gia.

Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào lúc 14h ngày 29/10/2018 tại trụ sở TAND TP.HCM (số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM).

Tuệ San

Xem thêm: