UBND TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hôm 20/4, đề xuất lùi thời hạn hoàn thành tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) vào cuối quý 4/2023.

ttbc hcm.gov .vn 3
TP.HCM đề xuất lùi thời hạn hoàn thành Metro Bến Thành-Suối Tiên đến quý 4/2023, chậm 5 năm so với kế hoạch ban đầu năm 2018 đưa vào khai thác. (Ảnh: ttbc-hcm.gov.vn)

UBND TP.HCM cho biết đến nay dự án mới đạt 88,5% tổng khối lượng công việc, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thời gian thực hiện dự án kéo dài, không kịp hoàn thành tiến độ quý 4/2021 như kế hoạch và đưa vào vận hành theo Quyết định 4856/2019.

Cụ thể, lý do mà cơ quan này đưa ra là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến tiến độ xây dựng; việc đàm phán hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) giữa chủ đầu tư với Liên danh NJPT kéo dài do thay đổi về trình tự, quy định pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh.

Ngoài ra, cơ quan này cho hay dự án Metro số 1 có nhiều lĩnh vực lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam, thực hiện các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.

Từ những nguyên nhân kể trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ KH-ĐT xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương để cơ quan này tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý 4/2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ năm 2024 – 2028.

Hiện có 15/17 đoàn tàu tuyến metro số 1 đã được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM. Hai đoàn tàu còn lại sẽ được nhập về đầu tháng 5 tới phục vụ việc chạy thử nghiệm trong năm nay.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi hôm 6/4 đã ký quyết định phê duyệt dự toán phát sinh gần 1.700 tỷ đồng chi phí dịch vụ tư vấn của tuyến metro này sau hơn 2 năm trì hoãn do vướng mắc thủ tục.

Năm 2006, tuyến Metro số 1 được thành lập kế hoạch đầu tư xây dựng, do Cục Đường sắt Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án. Công trình dài gần 20 km từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ GTVT, tháng 4/2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư tương đương 17.388 tỉ đồng.

Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án nâng lên 47.325 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.

Sau 3 năm chờ đợi vốn được phê duyệt, tháng 8/2012, dự án mới được khởi công xây dựng. Tiến độ bị lùi lại 2 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2018.

Đến nay, UBND TP.HCM muốn lùi thêm thời hạn hoàn thành đến quý 4/2023.

Thanh Minh