Metro Nhổn – ga Hà Nội vừa được phê duyệt đội vốn thêm gần 2.000 tỷ đồng, đồng thời trễ tiến độ dự kiến đến năm 2027 mới hoàn thành (dự án khởi công vào năm 2010). Nếu so sánh, dự án này có thể chậm tiến độ lâu hơn so với đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Cat Linh Ha Dong tau Ha Noi tau Cat linh Ha Dong 1
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sau nhiều lần trễ tiến độ, đội vốn gần 10.000 nghìn tỷ… cũng đã vận hành vào tháng 11/2021. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Theo đó, Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt tăng vốn thêm 1.916 tỷ đồng đối với dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn – ga Hà Nội, đồng thời tiếp tục trễ tiến độ kéo dài đến năm 2027, báo Lao Động đưa tin.

Với số vốn tăng thêm, nguồn từ đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng thêm 3.895 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm gần 1.980 tỷ đồng.

Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng.

Đến tháng 5/2022, theo văn bản được đại diện chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) kiến nghị thành phố báo cáo Thủ tướng, tổng mức đầu tư của dự án là 34.532 (tăng 87,5% so với ban đầu).

Thời gian hoàn thành toàn bộ dự án theo văn bản trên của MRB đề nghị là năm 2027, chậm tiến độ 12 năm so với kế hoạch.

Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được giới chức Hà Nội khởi công vào tháng 9/2010, dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm) với 12 nhà ga, 1 depot rộng 15,5 ha và 10 đoàn tàu, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Cũng tại Hà Nội, cuối tháng 11/2021, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đưa vào vận hành thương mại sau nhiều lần trễ tiến độ và đội vốn.

Được biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, được phê duyệt vào tháng 10/2008 và khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là gần 8.770 tỷ đồng.

Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.230 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Vừa qua, vào tháng 11/2022, Chính phủ cũng bổ sung hơn 910 tỷ đồng cho phần đã thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Được biết, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, Quận Hà Đông. Dự án này sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.

Đức Minh