Một số nước liên minh châu Âu (EU) lại vừa gửi cảnh báo, thu hồi hoặc trả lại sản phẩm mì gói, phở ăn liền nhập khẩu từ Việt Nam do vi phạm quy định an toàn thực phẩm liên quan đến chất Ethylene Oxide.

mì ăn liền phở ăn liền việt nam bị EU cảnh báo thu hồi 1540948157
Việt Nam đứng thứ ba về tiêu thụ mì ăn liền sau Trung Quốc và Indonesia, với khoảng 7,03 tỷ gói mì ăn liền được sử dụng vào năm 2020, theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới. (Ảnh minh họa: Monthira/Shutterstock)

Theo truyền thông trong nước, ngày 22/7, ông Ngô Xuân Nam – Phó giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, văn phòng SPS nhận được 3 cảnh báo từ Hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm của EU.

Cụ thể, Đức, Ba Lan và Malta gửi cảnh báo các sản phẩm mì ăn liền, bánh phở nhập khẩu từ Việt Nam vi phạm các quy định về việc chứa chất Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Theo đó, ông Nam cho biết Đức gửi cảnh báo sản phẩm mì ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty CP thực phẩm Á Châu (TP Thuận An, Bình Dương) chứa chất cấm Ethylene Oxide vượt ngưỡng quy định của EU.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở thương hiệu Nguyễn Gia vì sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép. Nước này cũng đã thực hiện biện pháp giám sát và thu hồi sản phẩm.

Còn Ba Lan cảnh báo sản phẩm mì ăn liền vị gà của Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam – Vifon (quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nước này đã trả lại lô hàng.

Theo ông Nam, việc doanh nghiệp của Việt Nam vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của EU sẽ gây khó khăn cho quá trình tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam.

“Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý về ngưỡng an toàn của chất Ethylene Oxide. Bởi tại EU quy định ngưỡng này ở mức rất thấp”, ông Nam cho biết các quốc gia có quy định về chất này không giống nhau. Riêng tại EU quy định trong khoảng 0,02-0,2 mg/kg tổng hàm lượng Ethylene Oxide và 2-Chloroethanol, tùy sản phẩm, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Ông Nam cho biết hiện nay tần suất kiểm tra sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào thị trường EU ở mức 20%. Trong phiên họp thứ 83 của Ủy ban SPS-WTO vào hôm 23/6, Văn phòng SPS Việt Nam cùng Bộ Công Thương và các đơn vị đã làm việc với EU cam kết Việt Nam sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm mì ăn liền đáp ứng thị trường này.

“Hy vọng thời gian tới, EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra đối với sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu. Bởi định kỳ 6 tháng một lần, EU sẽ xem xét danh sách các thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Nam nói, Zing dẫn lời.

Trước đó, ngày 13/6, EU chính thức thông báo tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).

Ở vụ việc liên quan đến dư lượng chất này, ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.

Ethylene chlorohydrin (còn gọi là 2-chloroethanol, viết tắt 2–CE) là sản phẩm phụ trong quá trình khử trùng bằng ethylene oxide (viết tắt là EO). Các quy định về hàm lượng 2–CE trong thực phẩm tại các quốc gia trên thế giới là khác nhau. Trong khi tại châu Âu, Ethylene Oxide được xếp nhóm các sản phẩm thuốc trừ sâu, bị cấm dùng trong thực phẩm bán ra do có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.

Kiến Minh (t/h)