Một số mặt hàng nông sản rớt giá mạnh do sức mua ở thị trường trong nước thấp, thị trường Trung Quốc thì thương lái không thể đưa hàng qua bán vì cửa khẩu phía Bắc đến nay vẫn còn ùn tắc.

dongthap.gov .vn
Ảnh minh họa: mít Thái trồng ở Đồng Tháp (Nguồn: dongthap.gov.vn)

Anh Thanh, một nông dân trồng mít ở Cần Thơ cho biết, gia đình anh trồng hơn 1.000 cây mít Thái, hiện đã đến vụ thu hoạch nhưng giá bán ra chỉ khoảng 5.000 đồng/kg tại vườn. Tuy vậy, với tình hình hàng hóa vẫn ùn tắc ở cửa khẩu, gia đình anh chấp nhận bán lỗ vì để lâu bán sẽ rớt giá.

“Đến nay, tình trạng xe container ùn ứ tại các cửa khẩu xuất đi Trung Quốc vẫn khá trầm trọng. Nhiều thương lái đang phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được dẫn đến thua lỗ. Do đó, hoạt động thu mua mít hiện rất chậm”, anh Thanh nói và cho biết nhiều nông dân ở vùng sâu thậm chí phải bán giá mít xô tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng/ kg, báo VnExpress đưa tin.

Chia sẻ của một thương lái hơn 20 năm kinh nghiệm ở các tỉnh miền Tây cho biết, hiện nay ông không dám ôm hàng nhiều vì chưa có đầu ra, chỉ tiêu thụ trong nước thì sức mua có hạn.

Theo thông tin giá thương lái thu mua mặt hàng mít Thái ngày 27/12 trên báo Dân Việt đưa tin:

– Tại Tiền Giang, các thương lái mua tại vườn giá mít Nhất là 11.000 đồng/kg, mít Nhì là 5.000 đồng/kg và mít Kem lớn là 5.000 đồng/kg.

– Các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và TP Cần Thơ: các thương lái vào vườn mua với giá mít Nhất 10.000 đồng/kg, mít Nhì 4.000 đồng/kg và mít Kem lớn chỉ 4.000 đồng/kg.

Anh Trần Văn Tứ (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, gia đình anh có 2 tấn xoài Đài Loan đang tới mùa thu hoạch nhưng chưa có thương lái, chủ vựa đến mua. Với việc ùn tắc ở cửa khẩu có thể kéo dài hơn 1 tháng nữa, anh Tứ lo lắng giá xoài Đài Loan có thể cũng rớt nếu sức mua trong nước không đủ.

Các loại trái cây khác như sầu riêng, xoài cát chu, thanh long, dưa hấu… cũng giảm 4.000-10.000 đồng/kg. Cũng do nông sản kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn quá nhiều, giá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long chỉ còn 260.000-270.000 đồng/tạ, trong khi mới tuần trước giá 600.000 – 700.000 đồng, báo Dân Việt đưa tin.

Mới đây, sáng ngày 27/12, ông Nguyễn Hữu Vượng, Cục phó phụ trách Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết phía Trung Quốc đề xuất hai giải pháp tạm thời:

  • Giao nhận kiểu “gắp công”, nghĩa là chuyển toàn bộ container chở hàng sang phía Trung Quốc. Lái xe không được xuống xe, ngồi yên trong xe container sau khi chuyển container hàng cho phía Trung Quốc thì lái xe đầu kéo về Việt Nam.
  • Giao hàng trực tiếp ngay tại các cửa khẩu.

“Cục Hải quan Lạng Sơn đã tham mưu và đề nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn chấp nhận cả 2 phương thức giao nhận hàng này để đẩy nhanh tốc độ thông hàng hóa”, ông Vượng nói.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất giải pháp cứu cánh bằng cách chuyển hàng qua vận tải bằng đường sắt, bởi vì với năng lực thông quan hiện chỉ khoảng 75-80 xe/ngày như hiện nay thì đến qua Tết Nguyên Đán cũng chưa thể giải phóng lượng xe container đang tồn tại cửa khẩu.

Cũng theo ông Vượng, tính đến ngày 27/12, lượng hàng hóa tồn trên các cửa khẩu ở Lạng Sơn là hơn 4.000 xe.

Quang Minh (t/h)

Xem thêm: