Hôm 3/3, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế chống lại các tác động xấu của dịch viêm phổi COVID-19 khiến thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trong suốt một tuần qua.

jerome powell
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED (Ảnh: marketwatch)

Lần này, FED đã buộc phải hành động sớm trước cuộc họp dự kiến vào giữa tháng 3 để đảo ngược nguy cơ kinh tế giống như cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Trong một tuần vừa rồi, chứng khoán Mỹ liên tục giảm ở cường độ lớn nhất kể từ năm 2008.

FED cho hay lãi suất chính sẽ được cắt giảm tới 0,5%, chỉ còn từ 1% đến 1,25%. Ông Powell vẫn cảnh báo rằng dịch COVID-19 chắc chắn sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và thế giới trong một thời gian nữa.

Quyết định cắt lãi suất đã được giới chính trị, tài chính và chính phủ Mỹ ủng hộ. Đây là lần đầu tiên FED phải viện đến việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp từ năm 2008 – đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nêu bật tính chất nghiêm trọng của đánh giá của ngân hàng trung ương về tác động của dịch COVID-19.

Trước quyết định này, các tin tức bên lề và kỳ vọng về việc FED can thiệp khẩn cấp vào nền kinh tế đã giúp chứng khoán Mỹ bật lại mạnh mẽ. Chỉ số Dow Jones sau khi bị mất tới hơn 4.000 điểm trong một tuần đã bật lại hơn 1.000 điểm trong ngày giao dịch đầu tuần này. Các chỉ số quan trọng khác như S&P 500 và Nasdaq đều phục hồi. Tuy nhiên, với việc các tin tức tiêu cực liên tục về số người chết và nhiễm virus gia tăng, các nhà đầu tư Phố Wall vẫn chưa thể yên tâm và các chỉ số chứng khoán trong ngày giao dịch tiếp theo vẫn tăng giảm bất thường.

Chỉ trong vòng 3 ngày qua, Mỹ đã có tới 9 người tử vong vì COVID-19, số ca nhiễm bệnh lên 118, nhiều bang và thành phố phải ban bố tình trạng khẩn cấp để điều động nguồn lực chống dịch.

Chủ tịch FED nói rằng hành động của ngân hàng trung ương sẽ đẩy mạnh nền kinh tế một cách có ý nghĩa bằng cách nới lỏng các điều kiện tài chính và tăng cường sự tự tin của các doanh nghiệp và các hộ gia đình.

“Chúng tôi thấy được những sự rủi ro đối với triển vọng của nền kinh tế và đã chọn giải pháp hành động”, ông Powell nói. Tuy vậy, ông thừa nhận với triển vọng kinh tế trong các điều kiện bất định hiện nay, tình hình hãy còn bấp bênh, dễ xoay chiều.

Tổng thống Trump hài lòng với việc FED giảm lãi suất, nhưng nói rằng mức giảm là chưa đủ để Mỹ cạnh tranh công bằng với các nước khác.

FED đang cắt giảm lãi suất nhưng phải nới lỏng hơn nữa và, quan trọng nhất là xuống bằng với mức của các nước/ đối thủ cạnh tranh khác. Chúng ta đang không được chơi ở một sân chơi công bằng. Không công bằng cho nước Mỹ. Đã đến lúc FED cuối cùng phải ĐI ĐẦU. Hãy nới lỏng và cắt giảm thêm nữa!” ông Trump viết trên Twitter.

Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích FED bó buộc động lực tăng trưởng của kinh tế Mỹ bằng lãi suất quá cao so với các đối thủ cạnh tranh Á-Âu. Tại Châu Âu, Ngân hàng Trung EU duy trì lãi suất 0% trong suốt thời gian từ 2016 đến nay. Đức thậm chí còn duy trì lãi suất cơ bản âm (-0,31%) – tức là các ngân hàng đi vay từ ngân hàng trung ương không cần trả lãi mà còn được nhận thêm tiền khi đi vay. Nhật Bản cũng giữ lãi suất cơ bản -0,1% từ năm 2016.

Ngân hàng Trung ướng Úc đã hạ lãi suất và nói rằng họ gần như chắc chắn sẽ nới lỏng hơn nữa để bù đắp suy giảm kinh tế và thiệt hại o tình hình virus corona của Trung Quốc. Họ đã giảm lãi suất xuống còn 0,5%, một mức thấp kỷ lục. Các nước khác cũng làm tương tự, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Cục Dự trữ Liên bang của chúng ta khiến chúng ta phải trả lãi suất cao hơn những nước khác, trong khi chúng ta nên phải trả ít hơn. Điều này gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu của ta và đặt nước Mỹ vào một vị thế cạnh tranh kém hơn. Phải ngược lại mới đúng. Nên nới lỏng định lượng và cắt giảm thật mạnh lãi suất. Jerome Powell, người lãnh đạo FED đã ra quyết định sai lầm ngay từ đầu. Đáng buồn!” ông Trump viết trên Twitter.

Ngân hàng Trung ương Mỹ, hai còn gọi là Cục dự trữ Liên Bang là một ngân hàng tư nhân, không phải là cơ quan chính phủ. Do đó, Tổng thống Mỹ không có quyền ra lệnh cho chủ tịch FED tăng hay giảm lãi suất bất kỳ lúc nào ông muốn.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: