Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) – đơn vị quản lý tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vừa công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021. Theo đó, đơn vị này ghi nhận doanh thu chỉ đạt 5 tỷ đồng, lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân công chiếm phần lớn trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

cat linh ha dong
Bộ máy nhân sự lớn khiến chi phí đội lên cao, trong khi doanh thu chỉ đạt 5 tỷ đồng đã khiến công ty này lỗ luỹ kế 160 tỷ đồng trong hơn 2 năm. (Ảnh: Tàu điện Cát Linh – Hà Đông/Facebook)

Cụ thể, Hanoi Metro cho biết giá vốn kinh doanh trong năm 2021 lên tới gần 60 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ đạt 5 tỷ đồng đã khiến công ty lỗ gộp 54 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nhân công chiếm phần lớn cơ cấu chi phí khi vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Được biết, để phục vụ tuyến đường này và tuyến Metro Nhổn – ga Hà Nội, Công ty Hanoi Metro đã thông báo tuyển hàng trăm nhân sự để đào tạo và vận hành.

Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp, Hanoi Metro lỗ ròng 64 tỷ đồng trong năm ngoái. Vào năm 2020, công ty báo lỗ 23 tỷ đồng khi chưa vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hiện Hanoi Metro đang lỗ lũy kế tổng cộng 160 tỷ đồng.

Trong cơ cấu quỹ lương, vị trí tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Hanoi Metro nhận lương bình quân 22 triệu đồng/tháng và 19 triệu đồng/tháng.

Năm 2022, Hanoi Metro đặt mục tiêu doanh thu 476 tỷ đồng, cao gấp gần 90 lần so với cùng kỳ, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị là 76,1 tỷ đồng, tương ứng gần 16% tổng doanh thu.

Công ty này dự kiến sản lượng hành khách trong năm 2022 đạt 7,94 triệu hành khách, với lượt tàu chở khách là 82.495 lượt. Bình quân tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông sẽ đón khoảng 96 hành khách cho mỗi chuyến tàu.

Bên cạnh đó, Hanoi Metro cũng dự kiến vận hành thêm đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, chạy tổng cộng hơn 89.000 lượt tàu, phục vụ hơn 7,9 triệu hành khách. Bình quân mỗi ngày, Hanoi Metro phải phục vụ gần 21.800 lượt khách với gần 250 lượt chạy tàu để hoàn thành chỉ tiêu nói trên.

Được biết, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, được phê duyệt vào tháng 10/2008 và khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt vào năm 2008 là gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào năm 2016 và năm 2017 là 18.001,5 tỷ đồng, tăng hơn 9.230 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông có tổng chiều dài 13,05km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương, quận Hà Đông.

Còn tại miền Nam, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 20/4, đề xuất lùi thời hạn hoàn thành tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đến cuối quý 4/2023.

Trước đó, vào tháng 2/2022, đại diện Công ty HURC1 – Đơn vị được giao khai thác tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên cho biết doanh nghiệp này đang gặp khó khăn tài chính, không còn đủ tiền vận hành doanh nghiệp. Nguyên nhân là do dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên chưa đưa vào khai thác, công ty không có nguồn thu trong khi chưa được cấp kinh phí hoạt động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chi ngân sách cho công ty HURC1 cần thực hiện theo phương thức tăng vốn điều lệ, song tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên chưa vận hành nên HURC1 không đáp ứng quy định về bổ sung vốn. Trong trường hợp trên, Bộ này đề nghị UBND TP.HCM gửi đề xuất lên Chính phủ để xin cấp thêm ngân sách hoạt động cho Công ty HURC1.

Kiến Minh