Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tác động của COVID-19, trong năm 2021, ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận đều đặn. Sau khi hầu hết các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh, thống kê cho thấy 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất đều tăng trưởng dương, đơn cử có ngân hàng tăng trưởng đến 65% so với năm trước.

Theo các báo cáo tài chính năm 2021 được các ngân hàng công bố, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của 10 ngân hàng dưới đây đạt hơn 155.000 tỷ đồng, tăng hơn 32.500 tỷ so với năm 2020. Đồng thời, năm 2021 có tới 8 ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng.

loinhuan nganhang 2021 1
Bảng Top 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế (hợp nhất) cao nhất năm 2020 và 2021. (Nguồn: Quang Minh tổng hợp/Trí Thức VN)

Ngân hàng Vietcombank tiếp tục đứng đầu bảng với hơn 27.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Vietcombank duy trì vị trí này.

Vị trí thứ hai đã có sự thay đổi. Năm 2021, ngân hàng Techcombank đã vượt qua ngân hàng Vietinbank với lợi nhuận ghi nhận hơn 23.200 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020. Khoảng cách về lợi nhuận của Vietcombank và Techcombank đã được rút ngắn so với năm 2020, năm trước khoảng cách này là hơn 7.200 tỷ đồng, năm 2021 chỉ còn khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.

Kế đến là ngân hàng VietinBank. Kết quả kinh doanh của ngân hàng này đạt hơn 17.500 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2021, lợi nhuận của VietinBank giảm mạnh hơn 45% xuống còn 3.678 tỷ đồng trước thuế. Sự sụt giảm này là do chi phí dự phòng rủi ro tăng cao gấp 6,2 lần cùng kỳ, chiếm đến hơn 54% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Nhảy 2 bậc từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4, ngân hàng Quân đội (MBbank) có kết quả kinh doanh tăng trưởng khá tốt, từ hơn 10.000 tỷ đồng lên hơn 16.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 65% so với năm trước.

Ngân hàng VPBank và Agribank lần lượt tụt xuống 1 bậc so với năm trước dù vẫn tăng trưởng. Lợi nhuận của VPBank ghi nhận ở mức 14.580 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và Agribank đạt 14.500 tỷ đồng (tăng trưởng 12%).

Bốn vị trí tiếp theo thuộc về các ngân hàng BIDV (13.601 tỷ đồng, tăng trưởng 51% so với cùng kỳ), ngân hàng ACB (12.000 tỷ đồng, tămg 25%), ngân hàng HDBank (8.069 tỷ đồng, tăng trưởng 38%) và ngân hàng VIB (8.011 tỷ đồng, tăng trưởng 38%).

Nguyên nhân giúp lợi nhuận ngành ngân hàng tăng trưởng được cho là việc biên lãi ròng (NIM) đã được mở rộng tại hầu hết các ngân hàng. Biên lãi ròng là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập tiền lãi phát sinh bởi tài sản sinh lời của ngân hàng (khoản vay và đầu tư) và các khoản chi phí chính (tiền lãi trả cho người gửi tiền). Điều này nghĩa là trong năm 2021, chi phí vốn của ngân hàng đã giảm nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất cho vay. Hơn nữa, các khoản thu nhập từ phí tăng, đặc biệt là phí bán bảo hiểm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay từ khi đại dịch COVID bùng phát, các mức lãi suất đã 3 lần liên tiếp được điều chỉnh giảm, với mức 1,5-2 điểm %/năm với lãi suất điều hành và giảm 0,6-1 điểm %/năm lãi suất tối đa tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ giảm khoảng 1 điểm % trong năm 2020 và khoảng 0,7 điểm % trong năm 2021. Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết.

Tại họp báo về triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 ngày 28/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam – ông Đào Minh Tú cho biết nợ xấu toàn phần vào cuối năm 2021 có thể lên đến 8,2%, trong khi đó con số này chỉ khoảng 5% vào năm 2020. Ông Tú cho biết con số nợ xấu có thể còn tăng cao nữa nếu tình hình dịch COVID còn phức tạp trong năm 2022.

Quang Minh

Xem thêm: