Trở lại sau COVID-19, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng khi Chính phủ mở cửa hoàn toàn kinh tế – du lịch từ giữa tháng 3/2022. Tuy vậy, hàng loạt sự kiện rung chuyển trên thị trường tài chính, xăng dầu và biến động địa chính trị đã đánh dấu một năm nhiều thách thức hơn sự mong đợi. Mời quý độc giả điểm lại 8 sự kiện Kinh tế Việt Nam nổi bật cùng Trí Thức VN.

1) Những cơn địa chấn trên thị trường tài chính

nam 2022 nhin lai 8 su kien kinh te noi bat tong hop logo scb tan hoang minh
Năm 2022 chứng kiến những cú sốc trên thị trường với hàng loạt vụ bắt giữ, khởi tố lãnh đạo các tập đoàn. (Ảnh minh họa: Biên tập Trí Thức VN)

Năm 2022 ghi nhận những biến động mạnh của thị trường tài chính tiền tệ, đặc biệt lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, lãi suất, ngoại hối.

Do mở cửa kinh tế sớm nên dòng tiền kỳ vọng đã đưa chỉ số VN-Index lọt “top” các chỉ số tăng mạnh nhất khu vực, có lúc đã vượt 1.500 điểm, nhưng chỉ 6 tháng sau, mọi dự đoán bị đảo ngược khi chỉ số này lao dốc thủng mốc 900 điểm.

Trong năm 2022, VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm từ 2% trở lên, nhiều nhất trong vòng 13 năm kể từ năm 2009. Thậm chí, nhiều phiên giao dịch chỉ số còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” từ trần xuống sàn và ngược lại.

Góp phần vào tốc độ tăng trưởng nóng là tình trạng thao túng cổ phiếu liên tiếp xuất hiện trên thị trường. Trong năm, một số vụ án điển hình về thao túng cổ phiểu đã bị phanh phui, có thể kể ra như vụ thao túng giá cổ phiếu ASA, FLC, Louis Holdings,…

Liên quan đến những vụ án gian lận, lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán còn có một số người đã bị bắt như: bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC), ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Louis Holdings),…

Chỉ riêng vụ việc Vạn Thịnh Phát, bà Chủ tịch tập đoàn Trương Mỹ Lan và nhiều nhân vật lãnh đạo của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát bị bắt vì tội lừa đảo đã tác động mạnh tới thị trường tài chính, đầu tư. Cơ quan điều tra đã yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến việc giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho, tặng, cầm cố, thế chấp đối với cổ phần phần vốn góp… của 762 công ty liên quan.

2) Bong bóng chứng khoán và bất động sản, thị trường đóng băng đột ngột

cam lam
Bất động sản “sốt ảo”, người dân nằm ngủ bên ngoài cơ quan đăng ký đất đai đợi làm thủ tục. (Ảnh: Đời sống DSKH / Facebook)

Tiếp đà năm 2021, thị trường chứng khoán, bất động sản tăng trưởng vũ bão. Chỉ trong 11 tháng, có tới 2,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới.

Dòng vốn đổ vào thị trường giao dịch hàng ngày luôn ở mức trên dưới 30.000 tỷ đồng/ngày. Có thời điểm đầu tháng 4, vốn hóa của sàn HoSE lên tới 6 triệu tỷ đồng.

Còn trên thị trường bất động sản đầu năm, mặt hàng nào cũng lên giá chóng mặt, không chỉ căn hộ, đất nền tại các khu đô thị lớn, không ít người lặn lội đến cả những vùng sâu vùng xa để săn đất.

Tin đồn, truyền thông đã đẩy nhu cầu ảo tăng cao, trong khi giao dịch thực sự không nhiều. Số liệu chính thức do Bộ Xây dựng công bố, giá nhà, đất quý đầu năm tăng 6% nhưng thực tế có nhiều nơi giá đất tăng từ 50 – 100% so với tháng 10/2021.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nóng ngắn ngủi, cuối tháng 4, cả hai khu vực thị trường bất động sản và chứng khoán đều khựng lại, lao dốc không phanh về cả mặt bằng giá và số lượng giao dịch. Một số dự án chiết khấu 40-50% cũng không có ai mua.

Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản ảm đạm ở tất cả các phân khúc. Đất nền ở các khu vực xa đô thị gần như “đóng băng”, không có người mua. Các sàn giao dịch và công ty môi giới cắt giảm nhân sự, tạm ngưng hoạt động ngày càng nhiều.

3) Niềm tin thị trường trái phiếu đổ vỡ

trai phieu scb
Người dân nhiều nơi biểu tình tại các chi nhánh, trụ sở ngân hàng SCB với hy vọng lấy lại tiền mua trái phiếu. (Ảnh: Facebook / Biên tập Trí Thức VN)

Đầu tiên là sự kiện Ủy ban Chứng khoán thông báo hủy 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trị giá hơn 10.000 tỷ đồng vào đầu tháng 4. Sau đó, Bộ Công an bắt giam và khởi tố ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch tập đoàn này với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây cũng là cột mốc mở đầu ra một năm sóng gió đối với thị trường tài chính của Việt Nam khi để những doanh nghiệp tự do lách luật phát hành trái phiếu đến người dân phổ thông, gây một loạt hệ lụy đổ vỡ niềm tin của thị trường.

Trước đó, ông Dũng là một đại gia bất động sản từng gây rúng động dư luận khi trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm với giá trị 2,4 tỷ đồng/m2 và rồi bỏ cọc.

Đáng chú ý, cái bắt tay của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt và các công ty dự án của Vạn Thịnh Phát đã gây hoang mang cho người gửi tiền, mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua ngân hàng SCB.

Nhiều người dân đã tố phía ngân hàng SCB tư vấn sai sự thật, dẫn đến người dân mua trái phiếu của Công ty An Đông thay vì gửi tiết kiệm thông thường. Số trái phiếu này được Chứng khoán Tân Việt bảo lãnh phát hành.

Đến nay, ngân hàng SCB đã bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt. Trên mạng xã hội, nhiều người dân đăng tải hình ảnh, video biểu tình liên tục suốt hơn 2 tháng tại các chi nhánh, trụ sở ngân hàng SCB tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Bắc Ninh, Nha Trang, v.v… với hy vọng sẽ lấy lại được tiền vì cho rằng SCB đã dùng uy tín ngân hàng, lừa người dân mua trái phiếu.

Ngân hàng SCB và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần vẫn là điểm nóng chưa tháo gỡ được của năm 2022.

Đáng nói, vụ việc Vạn Thịnh Phát cũng chỉ là một điển hình trong rất nhiều bóng dáng bộ ba cấu kết (doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán) ở rất nhiều lĩnh vực rải rác trong nền kinh tế.

4) Xăng dầu tăng cao chưa từng có, cây xăng đóng cửa hàng loạt

het xang con dau cay xang dong cua
Một cây xăng đóng cửa, đặt bảng “hết xăng, còn dầu”, lúc 7h tối ngày 10/10, tại quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: CTV / Trí Thức VN)

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu thành phẩm để tiêu thụ trong nước từ 25 – 30%. Bên cạnh đó, phân nửa sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu thô. Do vậy, thị trường xăng dầu Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của giá xăng dầu thế giới.

Khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2/2022, giá dầu thô có lúc đã lên hơn 100 USD/thùng. Cộng với thuế phí xăng dầu khoảng 40% đã khiến mặt hàng thiết yếu này lên đến hơn 33.000 đồng/lít, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Neo giữ phần lớn thời gian ở mức cao, đến kỳ điều hành cuối năm xăng mới về giá khoảng 20.000 đồng một lít.

Theo Bộ Công thương, do Việt Nam không có đủ kho dự trữ xăng dầu chiến lược riêng của Nhà nước để tham gia bình ổn, doanh nghiệp cũng không dự báo được tình hình dẫn đến lợi nhuận sụt giảm khi nhập về giá cao – bán ra giá thấp, khiến mức chiết khấu đến đại lý bán xăng dầu rất thấp (0 đồng), có lúc âm.

Thời gian lỗ kéo dài làm cho hàng loạt cây xăng thua lỗ ngày càng nặng nề, tình trạng bán xăng nhỏ giọt cầm chừng đến đóng cửa vì mất vốn diễn ra ở các cây xăng miền Tây, TP.HCM, các tỉnh Tây Nguyên,… sau đó lan ra tỉnh thành phía Bắc, ngay cả Hà Nội cũng không tránh khỏi việc hàng trăm người dân phải xếp hàng mua xăng dầu.

Sự việc đã làm lộ ra sự yếu kém trong việc thích nghi với các điều kiện kinh tế bất ổn mà Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên từng vội đặt tên cho giai đoạn này là “thị trường xăng dầu dị biệt” khi bị chất vấn tại Quốc hội Việt Nam.

5) Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch từ sớm nhưng đón khách quốc tế bằng 1/3 Thái Lan

baokhanhhoa
Lượng khách Nga, Trung Quốc sụt giảm khiến Việt Nam gặp khó trong việc phục hồi du lịch quốc tế. (Ảnh minh họa: baokhanhhoa.vn)

Trong khi các nước còn e ngại thì Việt Nam đã thông báo mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/3/2022, gần như sớm nhất trong khu vực.

Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch kỳ vọng năm 2022, Việt Nam sẽ đón 5 triệu lượt khách quốc tế với chính sách đi lại dễ dàng, không cách ly du khách.

Tuy vậy, theo ước tính gần nhất, có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, thấp hơn con số hơn 10 triệu mà Thái Lan vừa đạt được, dù xứ sở Chùa Vàng gỡ bỏ chính sách cách ly sau Việt Nam khoảng 3 tháng.

Theo các doanh nghiệp, một phần nguyên nhân là chính sách thị thực (visa) của Việt Nam gây cản trở sự phục hồi của ngành khi thủ tục yêu cầu phải có doanh nghiệp bảo lãnh, tăng thêm chi phí, thời gian miễn visa ngắn, chậm giải quyết các thủ tục dẫn đến mất cơ hội đón dòng khách quốc tế muốn “giải tỏa” cơn khát đi lại sau đại dịch.

Bên cạnh đó, thị trường khách lớn nhất của Việt Nam là khách Trung Quốc vẫn bị phong tỏa vì áp đặt chính sách Zero-COVID, thứ hai là khách Nga bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Ukraine, kinh tế bị tác động mạnh bởi các lệnh trừng phạt và hạn chế việc đi lại.

6) Điểm sáng Tổng trị giá xuất nhập khẩu năm 2022 đạt hơn 700 tỷ USD

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 701 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 355,8 tỷ USD và nhập khẩu đạt 345,4 tỷ USD.

Do đó, cán cân thương mại quốc tế đạt dương 10,3 tỷ USD. Một số nhóm ngành hàng chủ lực về xuất khẩu của Việt Nam như: Điện thoại và linh kiện vẫn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu với 56,6 tỷ USD; Nhóm hàng xếp thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 52,9 tỷ USD; Đứng thứ 3 là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43,6 tỷ USD.

Bên cạnh đó, 4 nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao gồm: Dệt may đạt 36 tỷ USD; giày dép 22,9 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ với 15,2 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 11,4 tỷ USD.

Về xuất khẩu năm 2022, Mỹ là thị trường lớn nhất. Trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Cụ thể, từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 101 tỷ USD, tăng 17,7% (tương ứng tăng 15,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đạt 109,46 tỷ USD, tăng 10% (tương ứng tăng 9,93 tỷ USD)

7) Điện lực, Hàng không Việt Nam thua lỗ trên 1 tỷ USD

tap doan evn vietnam airlines 1
EVN và Vietnam Airlines “song hành” lỗ hơn 1 tỷ USD. (Ảnh: Biên tập Trí Thức VN)

Theo ước tính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số lỗ dự kiến năm 2022 lên tới hơn 31.300 tỷ đồng, tương đương 1,3 tỷ USD. (gần bằng tổng mức lãi của 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác). EVN cho biết tình hình giá nhiên liệu thế giới tăng ảnh hưởng lớn đến chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố giữa năm 2022, Tập đoàn EVN ghi nhận lỗ sau thuế tới hơn 16.580 tỷ đồng, dù doanh thu đạt 211.631 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) dù doanh thu quý 3 có sự phục hồi do nhu cầu đi lại tăng, tuy vậy hãng Hàng không này vẫn lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Điều này cũng đánh dấu quý thứ 11 thua lỗ liên tiếp.

Tại thời điểm ngày 30/9/2022, Vietnam Airlines ghi nhận âm vốn chủ sở hữu tới 7.500 tỷ đồng, đứng trước nguy cơ cao bị hủy niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Tính lũy kế đến quý 3/2022, Vietnam Airlines lỗ tới 31.547 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,26 tỷ USD.

8) Đồng nội tệ của Việt Nam mất giá, vàng SJC vẫn cao hơn thế giới hơn chục triệu đồng mỗi lượng

vang gold bar gia vang trong nuoc vang SJC 1914076768
Giá vàng SJC ở Việt Nam trong năm 2022 vẫn cao hơn bình quân từ 16 – 18 triệu đồng mỗi lượng so với vàng thế giới. (Ảnh: TaniaKitura/Shutterstock)

Giá vàng SJC trong nước tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi khi luôn được các doanh nghiệp kinh doanh niêm yết cao hơn giá thế giới quy đổi tới 16-18 triệu đồng mỗi lượng, có thời điểm mức chênh này lên tới 20-22 triệu đồng.

Nhà đầu tư không mặn mà khi mức giá SJC dao động quanh ngưỡng 66 – 68 triệu đồng, có thời điểm giá mặt hàng này nhảy vọt lên tới 74 triệu đồng/lượng khiến nhu cầu bán ra tăng vọt.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp luôn giữ chặt lợi nhuận khi niêm yết chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra khoảng 1 triệu đồng/lượng. Các yếu tố này đã góp phần khiến nhà đầu tư ít mặn mà với vàng trong năm 2022.

Tuy vậy, thị trường ngoại hối lại khá sôi động khi đồng nội tệ của Việt Nam liên tục mất giá so với USD. Tính trong năm 2022, tỷ giá USD/VND đã tăng thêm khoảng 9%.

Có một khoảng thời gian, giá USD niêm yết ở các ngân hàng đã lên sát 25.000 đồng đổi 1 USD. Trên thị trường “chợ đen” đã có lúc lên tới 25.300 – 25.500 đồng/USD. Để hỗ trợ ngân hàng thương mại trong thanh khoản USD, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bán ra khoảng 21 tỷ USD.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho biết chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất được kỳ vọng sẽ tiếp tục đến khi lạm phát có dấu hiệu chững lại trong năm 2023.

Thiên Vũ