Mới đây, tờ Reuters dẫn thông tin bảng xếp hạng Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI) công bố hôm 22/9 vừa qua, theo đó, New York (Mỹ) 4 năm liên tiếp duy trì ở vị trí trung tâm tài chính số 1 thế giới.

trung tâm tài chính
Lễ đón giao thừa vào nửa đêm ở Times Square, New York. (Ảnh: Anthony Quintano/Wikimedia)

Đứng thứ 2 là London (Anh). Trong khi đó, Singapore đã lên vị trí thứ 3, thay thế Hồng Kông, còn Paris (Pháp) trở lại vị trí thứ 10, thay thế cho Tokyo (Nhật Bản).

GFCI do Z/Yen, công ty tư vấn và nghiên cứu uy tín tại Anh và Viện Phát triển Trung Quốc thực hiện, trong đó đánh giá 119 trung tâm tài chính dựa trên 66.000 văn bản đánh giá của 11.038 chuyên gia tài chính và cơ sở định lượng dữ liệu.

Đánh giá riêng về lĩnh vực công nghệ tài chính, New York, San Francisco và Los Angeles (Mỹ) là 3 thành phố đầu bảng theo xếp hạng GFCI; London giữ vị trí thứ 4 và Thượng Hải (Trung Quốc) giữ vị trí thứ 5.

Ở một diễn biến khác, New York và California được xem là điểm đến thu hút người giàu Trung Quốc. Cụ thể, Hiệp hội các nhà môi giới bất động sản Mỹ báo cáo vào tháng 7 rằng trong 12 tháng qua, khách hàng Trung Quốc đã mua bất động sản ở Mỹ với giá trị 6,1 tỷ USD, duy trì doanh số người mua nước ngoài hàng đầu và tiếp tục xu hướng kể từ năm 2013. Trong đó, đáng chú ý là 58% khách hàng Trung Quốc giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt. Giá giao dịch trung bình là hơn 1 triệu USD, trong đó 31% mua bất động sản ở California, và New York là một mục tiêu lớn khác hướng đến của họ.

Công ty tư vấn di trú đầu tư Henley & Partners dự đoán rằng vào năm 2022, khoảng 10.000 tỷ phú Trung Quốc có giá trị ròng cao (với tài sản trên 1 triệu USD) sẽ di cư ra khỏi Trung Quốc, với trung bình khoảng 4,8 triệu USD, và tổng cộng 48 tỷ USD sẽ được rút khỏi Trung Quốc, đứng thứ 2 trên thế giới sau số lượng người Nga giàu có di cư.

Phan Anh

https://trithucvn.co/blog/tai-sao-nhung-nha-lap-quoc-my-muon-hau-the-bao-ve-nen-cong-hoa.html