Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) vừa thông báo người dân Nga sẽ không được phép rút quá 10.000 USD tiền mặt. Thời gian áp dụng quy định mới từ ngày 9/3 đến ngày 9/9/2022.

shutterstock 2130293510
Ngân hàng Trung ương Nga đã ra lệnh giới hạn rút tiền mặt không quá 10.000 USD, áp dụng từ ngày 9/3 đến ngày 9/9/2022. (Ảnh minh họa: Pabloavanzini/Shutterstock)

Theo Reuters, ngày 8/3, CBR tuyên bố áp đặt giới hạn lượng tiền mặt ngoại tệ mà người dân của Nga có thể rút ra khỏi tài khoản. Theo đó, chủ tài khoản có thể rút tối đa là 10.000 USD tiền mặt từ tài khoản của mình. Trong trường hợp người dân rút vượt quá 10.000 USD, phần tiền dư ra sẽ phải nhận bằng đồng rúp theo tỷ giá thị trường vào ngày rút tiền. Quy định này có hiệu lực từ ngày 9/3 đến ngày 9/9/2022.

Ngoài ra, các ngân hàng ở Nga sẽ không được bán tiền mặt bằng ngoại tệ cho người dân Nga trong thời gian quy định mới như trên có hiệu lực.

Nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt cứng rắn từ nhiều nước, trong tuần này, Moscow đã phê duyệt danh sách những quốc gia và vùng lãnh thổ có hành động “không thân thiện”nhằm vào Nga, các công ty và công dân nước này.

Theo hãng tin TASS, người dân và công ty Nga, nhà nước Nga, các khu vực và thành phố trực thuộc Trung ương của Nga sẽ thanh toán cho chủ nợ thuộc danh sách quốc gia “không thân thiện” bằng đồng rúp. Quy định tạm thời mới áp dụng cho các khoản thanh toán vượt quá 10 triệu rúp mỗi tháng hoặc lượng ngoại tệ tương ứng. Người dân và công ty Nga có thể yêu cầu một ngân hàng nước này lập tài khoản đặc biệt để sử dụng đồng rúp thanh toán nợ nước ngoài.

Trước khi các lệnh trừng phạt của phương Tây có hiệu lực, đồng rúp có thể được tự do chuyển đổi sang đô la Mỹ hoặc đồng Euro, tạo điều kiện cho người Nga thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Nhưng lệnh trừng phạt đóng băng kho dự trữ ngoại hối của Nga và loại một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống SWIFT đồng nghĩa rằng đồng rúp không còn dễ dàng được sử dụng để chuyển đổi ngoại hối và thanh toán nợ nước ngoài.

Nga quyết định sử dụng đồng rúp như một biện pháp đối phó với phương Tây, bởi việc đồng rúp biến động mạnh sẽ khiến các chủ nợ nước ngoài của Nga phải đối mặt với rủi ro tài chính lớn hơn. Trong trường hợp đồng rúp mất giá đáng kể, các khoản nợ bằng đồng rúp có thể trở thành một khối tài sản “bốc hơi” nhanh chóng.

Quang Minh (t/h)