Theo ghi nhận của các phương tiện truyền thông, những ngày qua hàng loạt cây xăng từ miền Tây đến TP.HCM, Bình Phước, Đồng Nai,… đều xuất hiện tình trạng đóng cửa nghỉ bán vì thua lỗ hoặc chỉ bán “nhỏ giọt”. Người dân phải khốn đốn đi tìm xăng dầu để phục vụ cho việc đi lại, sản xuất nông nghiệp,…

cây xăng an giang dóng cửa người dân xếp hàng cây xăng dóng cửa
Người dân xếp hàng trước hàng rào của một cây xăng ở Kiên Giang chưa biết có đổ được xăng không. (Ảnh: dẫn qua Giao thông Văn Minh/Facebook)

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phát đi thông tin cho biết những ngày qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại một số tỉnh, thành như: Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk,… với nguyên nhân chung là chiết khấu thấp dẫn tới thua lỗ, khó khăn về tài chính do chi phí tăng, v.v…

Truyền thông trong nước liên tục đưa tin về sự việc cây xăng đóng cửa từ nhiều tháng nay và tình hình nguồn cung xăng dầu trở nên căng thẳng từ đầu tháng 10 khi càng nhiều nơi xuất hiện tình trạng trên. Người dân phải đi hàng chục km, qua vài cây xăng mới tìm được mua được xăng dầu.

Tại TP.HCM, ngày 9/10, một người dân (TP Thủ Đức) cho biết: “Phải đi đến cây xăng thứ hai trên đoạn đường này tôi mới đổ được xăng nhưng chỉ đổ được có 20.000 đồng”. Một số cây xăng lắp rào chắn bên ngoài vì hết xăng hoặc có nơi chỉ còn bán dầu, theo báo Tiền Phong.

Anh Võ Đình Duy (Quận 6) phải dắt bộ xe máy đến cây xăng nhưng thẫn thờ nghe cây xăng báo hết xăng, trong khi vợ của anh Duy lại đang mang bầu. Đứng tần ngần một lúc, anh Duy và vợ quyết định tiếp tục dắt bộ đi tìm những quầy bán xăng lẻ dọc đường Kinh Dương Vương, Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hiện có 54 cửa hàng tạm hết xăng dầu và đang được bổ sung thêm vào tối ngày 9/10.

Tương tự, tại Bình Phước, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp,… tình trạng cây xăng đóng cửa trên phải khiến người dân đi xa hơn mới tìm được xăng dầu vì các tỉnh thành nhỏ, mật độ cây xăng thưa thớt hơn.

Cùng ngày 9/10, trên tuyến Quốc lộ 91, đoạn phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, An Giang khoảng 2km nhưng đã có 3 cây xăng đóng cửa treo bảng hết xăng. Người dân nháo nhào chạy khắp nơi tìm chỗ đổ xăng, ghi nhận của báo Tuổi Trẻ.

Tại Đồng Tháp, hôm 7/10, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết toàn tỉnh có 515 cửa hàng xăng dầu, có trên 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã gửi đơn xin ngừng kinh doanh.

Còn ở Bình Phước, Sở Công Thương tỉnh này đã nhận hơn 70 cuộc gọi phản ánh của người dân về tình trạng cây xăng đóng cửa, hết hàng. Hơn một tuần qua, hàng nghìn người chật vật khi phải đi xa để mua xăng hoặc chấp nhận đổ xăng lẻ với giá cao để phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp, trang Zing đưa tin.

Liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng nhưng cơ quan này “chưa kịp” điều chỉnh. Do đó, từ ngày 11/10, liên Bộ sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu nhằm để các doanh nghiệp tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối.

Đức Minh