Theo một số clip lan truyền và hình ảnh trên các mạng xã hội trong hơn 1 tháng qua, nhiều người dân đã đến các chi nhánh ngân hàng SCB để đòi lại số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, các băng rôn của người dân tố ngân hàng này lừa đảo cũng phản ánh sự việc phía ngân hàng tư vấn “Tiết kiệm trái phiếu linh hoạt” gây nhầm lẫn với hình thức gửi tiết kiệm.

scb tp.hcm Huong Ly fb
Nhiều người tụ họp ở các ngân hàng SCB tại TP.HCM để căng băng rôn, biểu tình đòi ngân hàng hoàn trả tiền bị lừa mua trái phiếu. (Ảnh: Huong Ly/Facebook)

Theo ghi nhận, có rất nhiều người dân mua trái phiếu doanh nghiệp do bị nhầm lẫn giữa hình thức gửi tiết kiệm của ngân hàng và khái niệm “Tiết kiệm trái phiếu linh hoạt” mà phía ngân hàng SCB đưa ra.

Những người dân này tố ngân hàng cố ý mập mờ trong việc tư vấn, dùng lãi suất cao để mời chào trong lúc người dân gửi tiền hoặc tất toán sổ tiết kiệm để chuyển qua sản phẩm mới mà ngân hàng cung cấp.

Hình ảnh người dân biểu tình, căng băng rôn trước ngân hàng cho thấy sự việc trên không chỉ diễn ra ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội mà còn có Đà Nẵng, Nha Trang, Nghệ An, Gia Lai, v.v…

lai suat trai phieu scb bang lai suat tiet kiem
Ngân hàng SCB giới thiệu “Trái phiếu linh hoạt” đi cùng với bảng lãi suất tiết kiệm khiến người dân nhầm lẫn. (Ảnh: Facebook)

Trong hơn 30 ngày qua, phía người mua trái phiếu đã gặp gỡ các lãnh đạo của ngân hàng SCB trong các cuộc họp có sự chứng kiến của công an. Tuy vậy, câu trả lời về việc khi nào người dân mới được hoàn trả lại tiền nhầm lẫn mua trái phiếu và trách nhiệm thuộc về ai vẫn chưa được công bố rõ ràng, ngân hàng chỉ dừng ở bước “ghi nhận thông tin”.

Ở động thái gần đây, ngân hàng SCB cho biết vai trò của ngân hàng chỉ là giới thiệu sản phẩm, không có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người mua trái phiếu, mà chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới có nghĩa vụ này.

Nhiều người dân trong các cuộc họp đã bức xúc cho rằng, phía ngân hàng đã lợi dụng uy tín của SCB phân phối trái phiếu đến người dân thiếu hiểu biết về hình thức trái phiếu, mập mờ tư vấn hợp đồng khiến đa phần người mua tưởng rằng mình đang gửi tiết kiệm có sự bảo lãnh của ngân hàng như trước đây.

Các rủi ro tiềm ẩn về việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bị phía ngân hàng phớt lờ và các hồ sơ, tài liệu của doanh nghiệp phát hành, người mua trái phiếu hoàn toàn không được tiếp cận.

Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cũng chưa đưa ra những hành động cụ thể để xem xét trách nhiệm pháp lý liên quan đến phản ánh của đa số người dân mua trái phiếu thông qua ngân hàng SCB.

Một số hình ảnh liên quan đến sự việc trên lan truyền trên mạng xã hội

scb nha trang
Sáng ngày 2/12, người dân căng băng rôn trước ngân hàng SCB Nha Trang. (Ảnh: Trái phiếu SCB/Facebook)
scb cong quynh
Ngày 1/12, người dân tố ngân hàng lừa đảo tại chi nhánh Cống Quỳnh (TP.HCM), bị một nhóm người mặc thường phục xô xát, đẩy lên xe. (Ảnh chụp màn hình: Trái phiếu SCB/Facebook)
scb da nang
Tại SCB Đà Nẵng, sự việc người dân bị đẩy lên xe, xô xát, giựt băng rôn diễn ra ngày 30/11. (Ảnh chụp màn hình: Tuan Khanh/Youtube)
scb da nang 1
Một nhóm người mặc thường phục kéo người dân lên xe ô tô, không cho phép căng băng rôn phản ánh sự việc. (Ảnh chụp màn hình: Facebook)
scb lua dao
Người dân biểu tình, căng băng rôn, mặc áo ghi dòng chữ “SCB  – Tân Việt lừa đảo bán trái phiếu cho dân”. (Ảnh chụp màn hình: Facebook)
scb ha noi
Người dân không biết làm gì để đòi lại tiền, đành nằm trước ngân hàng để biểu tình ở Hà Nội. (Ảnh: dẫn qua Facebook)
scb nghe an
Ở một số tỉnh thành nhỏ hơn như Nghệ An, Gia Lai, Long An,… cũng xảy ra tình trạng người dân mua trái phiếu qua ngân hàng SCB. (Ảnh: dẫn qua Facebook)

Tuấn Minh