Hôm thứ Ba (28/3), các công tố viên liên bang Hoa Kỳ tại New York đã công bố một bản cáo trạng mới chống lại người sáng lập sàn giao dịch tiền số FTX Sam Bankman-Fried, cáo buộc anh hối lộ hơn 40 triệu USD cho các quan chức Chính phủ Trung Quốc.

FTX
Anh Sam Bankman-Fried, người sáng lập, CEO của sàn giao dịch tiền điện tử FTX. (Nguồn: Cointelegraph/ Wikimedia)

Các công tố viên liên bang ở Manhattan đã buộc tội Sam Bankman-Fried (SBF) cùng những người khác, đã ra lệnh thanh toán cho các quan chức Trung Quốc, nhằm giải phóng các tài khoản của quỹ phòng hộ Alameda Research của anh, vốn đã bị Bắc Kinh đóng băng.

Công tố viên Hoa Kỳ cho biết, các tài khoản này nắm giữ hơn 1 tỷ đô la tiền số.

Theo cáo trạng mới, vào khoảng tháng 11/2021, tài khoản Alameda Research trở thành mục tiêu của lệnh đóng băng chính thức của Trung Quốc.

Sau đó, SBF và những người khác đã chỉ thị chuyển ít nhất 40 triệu USD tiền số cho các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với mục đích hối lộ một hoặc nhiều quan chức Chính phủ Trung Quốc, nhằm gây ảnh hưởng hoặc xúi giục họ giải phóng một số tài khoản của Alameda Research.

Bản cáo trạng cho biết, SBF và các cộng sự của anh đã xem xét và thử nhiều phương pháp khác nhau để giải phóng các tài khoản. Sau khi các nỗ lực pháp lý và cá nhân thất bại, SBF đã đồng ý và chỉ đạo cấp dưới trả hàng triệu đô la tiền hối lộ, để mở khóa các tài khoản bị đóng băng.

Tài khoản của SBF đã hết bị đóng băng sau khi tiền hối lộ được chuyển từ tài khoản giao dịch chính của Alameda sang một ví tiền điện tử riêng.

Các công tố viên cho biết, sau khi các tài khoản được giải phóng, SBF đã ủy quyền chuyển hàng chục triệu đô la tiền số bổ sung cho các quan chức Trung Quốc, như một khoản hoàn trả cho các khoản hối lộ.

Sau đó, trong vòng một năm, quỹ phòng hộ của SBF tiếp tục lừa gạt khách hàng và nhà đầu tư. Họ sử dụng tài sản không bị đóng băng để tiếp tục tài trợ cho các giao dịch thua lỗ của Alameda.

FTX và Alameda sụp đổ vào tháng 11/2022 sau khi những lo ngại về khoản nợ trên sổ sách của họ thực sự biến thành một vụ rút tiền hàng loạt. SBF hiện phải đối mặt với bản cáo trạng liên bang và các cáo buộc dân sự từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai.

Trong khi đó, FTX vẫn sa lầy trong thủ tục phá sản của tòa án Delaware, Hoa Kỳ.

Những cáo buộc mới vào thứ Ba (28/3) càng gia tăng áp lực lên cựu tỷ phú 31 tuổi. Trước đó anh đã bị buộc tội 8 tội danh, nhưng không nhận tội. Các công tố viên cho biết SBF đã đánh cắp hàng tỷ đô la tiền của khách hàng, để trang trải các khoản lỗ tại quỹ phòng hộ Alameda.

SBF thừa nhận rằng rủi ro của FTX đã được quản lý sai, nhưng phủ nhận việc ăn cắp tiền.

Ngày 24/3, các công tố viên đã bổ sung 4 cáo buộc hình sự mới cho SBF, gồm gian lận chuyển khoản, gian lận chứng khoán và âm mưu quyên góp chính trị bất hợp pháp. Điều này nâng tổng số các cáo buộc hình sự đối với cựu tỷ phú này lên con số 12 cáo trạng.

Ngày 28/3, các công tố viên đã yêu cầu cáo buộc thứ 13 mới đối với SBF. Họ buộc tội SBF âm mưu hối lộ các quan chức Trung Quốc, vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA). Luật này quy định việc công dân Hoa Kỳ hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài để giành được công việc kinh doanh là bất hợp pháp.

Thẩm phán Lewis Kaplan ở New York đã lên lịch xét xử cho SBF vào thứ Năm tuần này (ngày 30/3).

Thứ Hai (27/3), sau khi Thẩm phán Kaplan đưa ra khả năng tống SBF vào tù chờ xét xử, các luật sư và công tố viên của anh đã đạt được thỏa thuận mới về các điều kiện bảo lãnh sửa đổi.

Trước đây, các công tố viên bày tỏ lo ngại rằng SBF có thể đã quấy nhiễu các nhân chứng.

Trước phiên tòa xét xử anh vào ngày 2/10, SBF hiện đã được bảo lãnh với 250 triệu đô la USD, và bị hạn chế đi lại tại nhà của cha mẹ anh ở California.