Trước những thắc mắc và bức xúc của người dân về việc phía ngân hàng SCB tư vấn “Tiết kiệm linh hoạt” nhưng thực chất là đầu tư trái phiếu, mới đây ngân hàng này thông báo thiết lập các địa điểm “tiếp nhận thông tin” của người dân liên quan đến việc mua/bán trái phiếu doanh nghiệp (DN) từ ngày 18/11.

nguoi dan hop voi scb nguoi dan mua trai phieu scb scb tu van tiet kiem linh hoat 1
Người dân tố ngân hàng SCB tư vấn sai lệch, dẫn đến sự nhầm lẫn từ gửi tiết kiệm thành đầu tư trái phiếu tại cuộc họp. (Ảnh chụp màn hình: Tuan Khanh/Youtube)

Theo đó, ngân hàng SCB cho biết địa điểm tiếp nhận thông tin nói trên được thiết lập tại Trụ sở SCB (Lầu 9), số 242 đường Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM. Bên cạnh đó, các chi nhánh ở các tỉnh thành khác cũng sẽ là nơi người dân đến khiếu nại.

Thời gian mà SCB đưa ra gồm 2 khung giờ: từ 8h – 11h30 và từ 13h30 – 16h30 (Thứ Hai đến Thứ Sáu).

Trong thông báo đăng trên website, SCB cho hay đang nỗ lực làm việc với Chứng khoán Tân Việt và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để bảo vệ quyền lợi người mua.

Từ ngày 7/11, giữa người dân mua trái phiếu DN và lãnh đạo ngân hàng SCB đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại. Trong đó, đa phần các cô bác lớn tuổi tố cáo tình trạng nhân viên ngân hàng SCB tư vấn thiếu chính xác, không nói rõ về trái phiếu DN, đưa ra khái niệm mập mờ là “Tiết kiệm linh hoạt”, có thể rút gốc sau 31 ngày, v.v…

Thậm chí, nhân viên còn tư vấn đây là sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng lâu năm, có rủi ro rất thấp vì doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái với ngân hàng.

Nghe theo lời nhân viên, nhiều người lớn tuổi đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm tuổi già chuyển qua “loại sản phẩm mới” này.

Sau khi đồng ý, nhiều khách hàng ký vào tờ uỷ nhiệm và ra về. Họ không hề được tiếp cận tới bất kỳ tài liệu nào liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, cho tới gần chục ngày sau mới nhận được hợp đồng đầy đủ.

Theo nhiều người dân tại cuộc họp với lãnh đạo SCB, ngân hàng này đã giữ bản hợp đồng này hơn chục ngày mới trả nên khách hàng hoàn toàn không có cơ hội đọc kỹ cũng như huỷ hợp đồng trong 3 ngày từ lúc chuyển tiền mua theo quy định.

scb mo dia diem tiep don nguoi dan mua trai phieu nguoi dan mua trai phieu scb
Ảnh chụp màn hình Thông báo của ngân hàng SCB. (Nguồn: scb.com.vn)

Điều này dẫn đến phần đông người gửi tiền tiết kiệm trở thành nhà đầu tư trái phiếu DN bất đắc dĩ, họ cảm thấy bức xúc và mong muốn ngân hàng trả lại tiền hoặc đổi sang hình thức gửi tiết kiệm bình thường.

Trong thông báo đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính ngày 14/11, cơ quan này cho biết trước các vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian qua, các nhà đầu tư cần lưu ý về mức độ rủi ro của trái phiếu DN.

Cụ thể, Bộ này cho biết trái phiếu DN do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

Trái phiếu DN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, thường có độ rủi ro và lãi suất cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng.

Do vậy, Bộ Tài chính cho hay: “nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”.

Đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Bộ đề nghị phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.

nguoi dan to scb lua dao
Người dân bức xúc, căng băng rôn đòi SCB trả lại tiền vì bị lừa mua trái phiếu DN. (Ảnh chụp màn hình: Clip người dân ghi lại/Facebook)

Chứng khoán Tân Việt cũng vừa thông báo có 5 doanh nghiệp chấp nhận mua lại trái phiếu trước hạn với tổng trị giá hơn 2.100 tỷ đồng.

Theo đó, Công ty cổ phần (CTCP) Hưng Thịnh Land dự kiến sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 (đáo hạn ngày 28/12/2023).

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nam Land có kế hoạch mua lại lô 4 triệu trái phiếu phát hành ngày 13/7/2021 (kỳ hạn 3 năm) với giá trị 900 tỷ đồng. Đơn vị này huy động trái phiếu để đầu tư dự án Shizen Home.

Chứng khoán Tân Việt cho biết một số công ty bất động sản (BĐS) khác như: CTCP Gotec Land, CTCP Thương mại Công nghệ An Phát, CTCP Năng lượng Thiên niên Kỷ cũng có kế hoạch mua lại các lô trái phiếu có giá trị lần lượt là 600 tỷ đồng, 200 tỷ đồng, 40 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến hết tháng 10, toàn thị trường đã ghi nhận 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup trị giá 625 triệu USD và 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị gần 10.600 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành).

Tuấn Minh