Do Bắc Kinh từ chối cho cơ quan quản lý Mỹ xem xét công việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào thứ Tư (30/3) đã thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ.

shutterstock 363519476
Do Bắc Kinh từ chối cho Mỹ thanh tra kiểm toán công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, ngày 30/3/2022 SEC đã liệt kê nhiều công ty Trung Quốc như Baidu và iQiyi có thể bị liệt vào danh sách công ty bị hủy niêm yết tại Mỹ. (Nguồn: Testing/ Shutterstock)

Việc SEC đưa ra danh sách công ty bị hủy niêm yết là dựa trên một đạo luật ký năm 2020 yêu cầu các công ty đại chúng của Mỹ tuân thủ quy định thanh tra kiểm toán.

Ngoài Baidu, SEC cũng đã thêm Futu Holdings, Nocera Inc., iQIYI Inc., và CASI Pharmaceuticals Inc. vào danh sách tạm thời để có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ.

Ngày 18/12/2020, Tổng thống Trump lúc bấy giờ đã ký “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Công ty Nước ngoài (HFCAA)”. Luật này yêu cầu các công ty nước ngoài bị cấm niêm yết trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu báo cáo kiểm toán của họ trong 3 năm liên tiếp không nộp cho Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) để xem xét.

Kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật HFCAA vào năm 2020, PCAOB và SEC luôn nỗ lực trong xác định các công ty không tuân thủ. SEC cũng dự kiến ​​sẽ có hành động đối với khoảng 200 công ty niêm yết ở New York có các công ty mẹ ở Trung Quốc và Hồng Kông, vì các khu vực pháp lý như Trung Quốc và Hồng Kông từ chối cho phép Mỹ kiểm toán các công ty này. Tính đến thứ Tư (30/3), tổng số công ty trong danh sách của SEC đã lên tới 11 công ty.

Theo luật này, công ty nước ngoài nào trong 3 năm liên tiếp trốn tránh yêu cầu kiểm toán của Mỹ có thể phải đối mặt với việc bị hủy niêm yết tại Mỹ, có nghĩa là các công ty trong danh sách của SEC có thể bị loại khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq sớm nhất vào năm 2024.

Cổ phiếu niêm yết tại New York của Baidu đã giảm tới 2,7% vào thứ Tư (30/3), trong khi chỉ số Nasdaq Golden Dragon Trung Quốc (HXC) giảm 0,4% lúc 1:18 chiều cùng ngày.

Vào giữa tháng Ba, cổ phiếu của Baidu sụt giảm khi SEC đưa một số cổ phiếu Trung Quốc vào danh sách hủy niêm yết trừ khi các công ty đó cung cấp hồ sơ kiểm toán chính thức để kiểm tra. Trong khi đó, Yum China Holdings (YUMC) thông báo với các cổ đông rằng công ty có thể buộc phải hủy niêm yết vào đầu năm 2024.

Ngày 10/3, SEC đã liệt kê 5 cổ phiếu không cung cấp hồ sơ kiểm toán cho cơ quan quản lý Mỹ. Các công ty liên quan trong 3 năm liên tiếp không đáp ứng yêu cầu thì sẽ bị hủy niêm yết vào trước đầu năm 2024, trong đó lần vi phạm đầu là năm 2021.

Những người chỉ trích nói rằng các công ty Trung Quốc được hưởng các đặc quyền giao dịch của kinh tế thị trường (bao gồm quyền truy cập vào các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ), trong khi lại được chính phủ hậu thuẫn và hoạt động trong một hệ thống không rõ ràng. Nhưng các nhà quản lý ở Bắc Kinh cho rằng Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc cấm các công ty Trung Quốc giao các tài liệu kiểm toán cho các cơ quan quản lý của Mỹ.

Reuters đưa tin ngày 22/3, giới quản lý Trung Quốc đã yêu cầu một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba, Baidu và JD.com chuẩn bị chu đáo hơn liên quan vấn đề tiết lộ kiểm toán, vì Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực để đảm bảo các công ty trong nước vẫn được niêm yết tại New York.

Ngày 24/3, PCAOB cho biết nhiều phỏng đoán gần đây đã quá lạc quan khi cho rằng Mỹ-Trung sắp sắp đạt thành một thỏa thuận nhằm ngăn hàng trăm công ty Trung Quốc hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Vì bất kỳ thỏa thuận nào chỉ là “bước đầu tiên” và PCAOB sau đó sẽ điều tra để đảm bảo thỏa thuận được tuân thủ.

“Nếu đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động kiểm tra và điều tra để xác định xem liệu thỏa thuận có hoạt động như dự kiến ​​hay không … (nhưng) một thỏa thuận không được thực hiện thành công sẽ không tương ứng luật pháp Mỹ”, PCAOB cho hay.

Là một trong những ‘gã khổng lồ’ công nghệ lớn nhất và sớm nhất của Trung Quốc niêm yết tại New York, việc Baidu bị SEC đưa vào danh sách đen là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với các công ty Trung Quốc khác.