Nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa có văn bản gửi các bộ, ngành đề xuất được chỉ định làm nhà thầu thi công 12 đoạn cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Trong đó, gói thầu cao nhất lên đến 20.890 tỷ đồng cho khoảng 88km đường cao tốc.

cao toc my thuan trung luong cao toc bac nam 1
Tổng vốn đầu tư 12 tuyến cao tốc (dài 729 km) khoảng 146.990 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Nguồn: dẫn qua trang An toàn giao thông – Văn hóa giao thông/Facebook)

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 ban hành ngày 11/1/2022 về xây dựng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, bao gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam đầu tư xây dựng 12 tuyến đường cao tốc Bắc-Nam có tổng chiều dài 729 km, quy mô 4 làn đường, bề rộng mặt đường được thiết kế 17m, không có làn dừng khẩn cấp ở hai bên và tốc độ tối đa dự kiến là 80km/h.

Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã có văn bản gửi các bộ, ngành đề xuất được chỉ định làm nhà thầu thi công các tuyến cao tốc trên. Được biết, tổng vốn đầu tư cho 12 tuyến cao tốc khoảng 146.990 tỷ đồng (đầu tư bằng ngân sách nhà nước), được chia thành 2 lần phân bổ: trong giai đoạn 2021 – 2025 được giao khoảng 119.666 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2025 được phân bổ khoảng 27.324 tỷ đồng, theo báo Tiền Phong.

Thời gian thực hiện dự án chia làm 4 giai đoạn: chuẩn bị dự án đến năm 2022; giai đoạn giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án trong 2 năm kế tiếp; dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào giữa năm 2023 và hoàn thành các dự án vào năm 2025.

cao toc cao toc bac nam phia dong cao toc giai doan 2021 2025
Bình quân chi phí cho một km đường cao nhất là tuyến Cần Thơ-Hậu Giang, dài 37km, vốn đầu tư dự kiến là 9.770 tỷ đồng. (Bảng số liệu: Quang Minh tổng hợp/Trí Thức VN)

Theo báo Đầu Tư, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường gửi đề xuất được chỉ định thầu thi công đoạn cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng (dài khoảng 54 km), nhà thầu này cam kết rút ngắn tiến độ 3-6 tháng, đồng thời tiết kiệm 5% giá trị dự toán của gói thầu. Một số nhà thầu khác cũng có đề xuất tương tự như: Trung Nam, Đèo Cả, Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Vinaconex, Hưng Thịnh, v.v…

Bộ Khoa học và Đầu tư đưa ra đề xuất một số tiêu chuẩn chọn nhà thầu chỉ định thi công như: nhà thầu phải từng tham gia dự án giao thông có giá trị ít nhất bằng 70% giá trị gói thầu sẽ tham gia, hoặc từng thi công các dự án có hạng mục tương tự gói thầu được chỉ định; nhà thầu phải đặt cọc hoặc ký quỹ để chứng minh năng lực tài chính; không chia gói thầu,… Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ Giao thông vận tải đề xuất.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định: “Trước khi chỉ định thầu, các bộ, ngành cần công khai tiêu chí để nhà thầu đăng ký và giám sát lẫn nhau. Thực tế có nhiều nhà thầu vốn đăng ký lớn, nhưng đã tham gia nhiều dự án, nợ nhiều, hoặc phân tán nguồn lực ra các gói thầu khác. Những nhà thầu này giờ có thêm dự án sẽ không đủ lực trực tiếp làm, mà nhận để giao lại đơn vị thành viên, hoặc nhà thầu phụ nhằm hưởng phần trăm”, báo Tiền Phong dẫn lời.

Trước đó, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (thuộc quy hoạch cao tốc Bắc-Nam) được thiết kế tương tự như trên đã thông xe kỹ thuật vào ngày 25/1 và ngừng hoạt động từ ngày 11/2 để tiếp tục hoàn thiện.

Ông Cao Văn Hòa – Phó giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sau 15 ngày hoạt động, đã có khoảng 450.000 lượt xe lưu thông trên cao tốc này, trung bình khoảng 28.100 lượt xe/ngày đêm. Bên cạnh đó, ông Hòa cho hay khoảng thời gian trên đã xảy ra 24 vụ va chạm giao thông; 99 trường hợp xe bị hỏng, chết máy; 249 trường hợp xe bị nổ lốp; 80 trường hợp xe hết xăng, dầu…

Quang Minh